APEC 2017 được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của APEC
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào tháng 11/1989 tại Australia với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư khu vực. Từ 12 nền kinh tế sáng lập, tới nay, APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu, khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô hàng đầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là một khu vực phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998 và đã trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp thiết thực cho APEC, trong đó phải kể đến việc đảm nhận thành công vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006.
Từ khi được lập đến nay, APEC đã tổ chức 28 Hội nghị thường niên. Năm 2017, Việt Nam lại được tín nhiệm lựa chọn để tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 29. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai và được tín nhiệm lựa chọn là nước chủ nhà tổ chức APEC 2017.
Trên cơ sở những kết quả đạt được bởi những nỗ lực chung của các nước thành viên APEC, APEC 2017 tập trung thảo luận bốn ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC là: 1)Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2) Tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng; 3) Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và 4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm APEC 2017 được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, đi đầu thúc đẩy tăng trưởng, hội nhập và liên kết của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
APEC đem đến năm “cơ hội vàng” cho du lịch Việt Nam
Những năm gần đây, APEC đang trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015, khu vực APEC đón được trên 396 triệu lượt khách du lịch, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đến năm 2020, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút được 27% lượng khách du lịch toàn cầu thay vì 19% năm 1995 trong khi lượng khách đến khu vực châu Âu sẽ giảm từ khoảng 60% xuống còn 46% vào năm 2020. Xu thế này sẽ còn duy trì vào những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch APEC cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức đối với phát triển du lịch bền vững. Cho dù phát triển du lịch APEC đã có những đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của khu vực, tuy nhiên theo UNWTO, du lịch đã có những tác động tiêu cực đến môi trường với việc đóng góp tới 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú. Các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước, cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Mặt khác, du lịch cũng là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên.Khí hậu biến đổi, sạt lở đất, nước biển dâng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới hấp dẫn điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành.Vì vậy, “Phát triển du lịch bền vững” được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC. Đây cũng chính là sự quan tâm và là chủ đề của du lịch APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.
Với những mục tiêu bao trùm của APEC là mở rộng và tự do hoá các lĩnh vực thương mại và đầu tư và những ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC 2017, du lịch APEC nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đứng trước nhiều cơ hội phát triển:
Thứ nhất: Nằm ở khu vực có sự phát triển nhanh về du lịch và chỉ đứng thứ 2 sau khu vực châu Âu về thu hút khách du lịch, Việt Nam có cơ hội rất lớn để khai thác những tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc của mình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn với sự tăng trưởng cao về lượng khách du lịch quốc tế. Cơ hội này sẽ càng cao khi Việt Nam được xem là điểm đến còn mới và thân thiện, an toàn trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới trên nền tảng mở rộng và tự do hoá các lĩnh vực thương mại và đầu tư, trong đó lĩnh vực dịch vụ, du lịch được xem như một ưu tiên trong năm 2017.
Thứ hai: Sự ủng hộ của các nền kinh tế APEC 2017 đối với sáng kiến của Việt Nam về việc thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cả về kinh tế, xã hộisẽ kết nối các chương trình hợp tác hiện có của APEC,qua đó tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam tiếp cận các nguồn lực đầu tư và kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch bền vững gắn với tăng trưởng xanh, với việc nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và gắn với xoá đói giảm nghèo đểgiúp mọi người dân đều được hưởng thụ những thành quả của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mạithông qua du lịch.
Thứ ba: Việc thực hiện một trong bốn ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC 2017 là tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng giữa các nước thành viên, với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ, du lịch Việt Nam có cơ hội để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kết nối Việt Nam với tư cách là một điểm đến với các điểm đến khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tiếp cận với công nghệ du lịch trình độ cao của các nước có ngành du lịch phát triểnvà mở rộng thị trường du lịch, đặc biệt ở các nước thành viên. Đây là yếu tố quan trọng để du lịch Việt Nam tạo sự phát triển đột phá để hướng đến mục tiêu thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế và cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp trên 10% GDP cả nước vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ tư: Với sáng kiến của APEC 2017 về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”, du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói riêng với trên 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ có cơ hội tiếp cận với sự hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế để nâng cao được sức cạnh tranh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch của điểm đến, sự cần cù và sáng tạo trong lao động và tính chủ động trong ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong kỷ nguyên số.
Thứ năm: APEC 2017 không chỉ tạo cơ hội đột phá mang tầm chiến lược cho cộng đồng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam khi tiếp cận với các thị trường mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là thị trường Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Di Lân) Trung Quốc,.. mà còn là cơ hội quan trọng để giới thiệu ảnh du lịch Việt Nam với tư cách là một đất nước yêu chuộng hoà bình, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, con người thân thân và luôn là điểm đến thân thiện, an toàn với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, các địa phương nơi được lựa chọn để tổ chức các sự kiện APEC 2017, sẽ có cơ hội để tổ chức các đoàn Firmtrip nhằm giới thiệu về tiềm năng, lợi thế về du lịch, về các sản phẩm du lịch của địa phương mình; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch vàgiao lưu giữa các đại biểu APEC 2017 với cộng đồng địa phương để qua đó các đại biểu sẽ có được những trải nghiệm chân thực nhất về cuộc sống của người dân Việt Nam. Những ấn tượng tốt đẹp đó sẽ được các đại biểu APEC 2017 chuyển tải đến người dân ở đất nước mình, thúc đẩy hơn sự hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và các nước thành viên APEC trong tương lai.
Có thể khẳng định những cơ hội mà APEC 2017 đem đến cho du lịch Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên để biến những cơ hội đó thành hiện thực, góp phần tạo thêm những động lực mới cho du lịch Việt Nam phát triển, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược để du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020, rất cần có sự nhạy bén nắm bắt cơ hội, sự quyết tâm và chủ động của toàn ngành du lịch, sự hỗ trợ và hợp tác có hiệu quả của các ngành và các địa phương dưới sự chỉ đạo tập trung và quyết liệt của Chính phủ./.
Nguồn: Toquoc.vn