Nepal nghèo hơn nước ta rất nhiều. Diện tích 147.181km2 nhưng chỉ có 16,07% đất đai có thể canh tác và 0,85% đất hai vụ. Với 75% lao động nông nghiệp, đất nước này hầu như có rất ít sản phẩm để xuất khẩu, phần lớn là thảm, quần áo, khăn quàng lông thú, đồ da, đồ gỗ, một ít đậu đỗ và hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài rừng và một ít khoáng sản như côban, sắt, đồng, thạch anh, than non…, Nepal hầu như không có mấy tài nguyên thiên nhiên.
Nepal sở hữu 14 ngọn núi (trong số 14 ngọn của cả thế giới) có độ cao trên 8.000m, đó là Everest, Kangchenjunga, Lhotse I… Bên cạnh những vùng nông thôn nghèo khổ là những thành phố sầm uất và đông dân. Nepal có tới 47 sân bay (với 11 sân bay khá tốt), rất tiện lợi để bay đến các địa phương trong cả nước. Đường bay quốc tế từ Việt Nam đến Kathmandu có thể chuyển chuyến bay tại Bangkok hay Delhi. Từ các nước khác cũng có rất nhiều đường bay đến Nepal, có cả các chuyến bay giá rẻ. Visa có thể lấy ngay tại sân bay (60 ngày với giá 30 USD).
Không chỉ đến du lịch Nepal để chiêm ngưỡng các ngọn núi cao, rất nhiều khách du lịch đến Nepal để thăm các vườn quốc gia rộng lớn và được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôi đã có dịp đến vườn quốc gia Chitwan (rộng 932km2) đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Cũng như tất cả du khách khác, khi vào vườn quốc gia Chitwan, tôi được ngồi trên lưng voi, chứng kiến một đôi tê giác chỉ đứng cách xa mình vài mét, gặp cả hươu nai và nhiều loài chim lạ (thậm chí có người còn gặp cả hổ). Tham quan như vậy mới tuyệt chứ! Tại đất nước này, việc bảo vệ rừng ăn sâu vào máu thịt của nhân dân cho nên không hề xảy ra chuyện phá rừng, đốt rừng như ở nước ta.
Nepal là nước còn nghèo nhưng điều tôi hoàn toàn bất ngờ là chất lượng giáo dục rất tốt. Tôi ở nhà một giáo viên 56 tuổi. Ông có một cậu con trai đang học năm thứ hai đại học, cả hai bố con nói tiếng Anh hết sức thành thạo. Hóa ra không ít trường ở Nepal dạy tiếng Anh từ… trường mầm non và mẫu giáo. Tôi rất có cảm tình khi thấy tất cả học sinh ở đây đều mặc đồng phục rất đẹp và cả nam lẫn nữ ngay từ bậc tiểu học đều… thắt cra-vát.
Là một quốc gia đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo, đất nước này có nhiều đền chùa lộng lẫy, thu hút rất đông người đến cầu nguyện, chiêm ngưỡng. Có ngôi chùa xây bằng vàng thật nên luôn luôn được cảnh sát quản lý nghiêm ngặt. Nhiều bảo tàng quốc gia rất hiện đại nhưng du khách không được chụp ảnh bên trong. Tại các siêu thị, hàng hóa tràn ngập chẳng thua kém gì tại các nước phát triển. Các khu nhà ở của tầng lớp trung lưu khác hẳn với khu nhà truyền thống của số đông dân cư.
Nepal được nhiều du khách yêu thích bởi sở hữu những cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, nền văn hóa đa sắc màu, những người dân thân thiện, hiếu khách... Một nơi như vậy lẽ nào lại có ít người Việt Nam đến du lịch? Ngoài các nhà hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, tại Nepal tuyệt nhiên vắng bóng các nhà hàng Việt Nam. Tôi đã tự hỏi tại sao không có người Việt Nam đầu tư vào mảnh đất có dân số không quá ít (đứng thứ 41/200 quốc gia) và lại rất đông du khách này?
GS. Nguyễn Lân Dũng
Ảnh: Internet
(Tạp chí Du lịch)