 |
Đỉnh đầu thác Đỗ Quyên Ảnh: Linh Vũ |
KHÁM PHÁ THIÊN NHIÊN
Nhiều người đã thốt lên kinh ngạc khi chiếc xe lướt qua những phong cảnh đẹp mê hồn. Những áng mây trắng từ đâu cứ bốc lên từ vực thẳm, lan tỏa dần và trùm lên đường; những bông trắng trong và mát lạnh mơn man trên da mặt khi tôi nhắm mắt lại, khiến tôi có cảm giác bâng khuâng được cưỡi mây trắng, thả hồn phiêu diêu ở chốn thiên nhiên hoang dã này. Chúng tôi lên Hải Vọng Đài để nhìn ngắm thỏa thích cảnh trời xanh, biển rộng. Xa xa là đầm Cầu Hai và phá Tam Giang – khu hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Vịnh Chân Mây như cánh tay thon thả của người thiếu nữ đang nghịch nước biển khơi.
Chân Mây còn là cảng biển nước sâu hàng năm đón tiếp hàng vạn lượt khách quốc tế du lịch bằng đường biển, và tương lai là một vùng kinh tế mở đầy tiềm năng đang được dựng xây. Liền kề với vịnh Chân Mây là bãi biển Lăng Cô đẹp tuyệt vời, từ đỉnh Bạch Mã chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ đi bằng xe ôtô là có thể đến được. Cùng với núi Cù Dù và đầm Lập An, nơi đây đã có hàng loạt các dự án lên đến vài tỷ đôla đang được đầu tư xây dựng trở thành khu nghỉ biển và chơi golf với đẳng cấp quốc tế. Tam giác vàng du lịch Bạch Mã - Cảnh Dương – Lăng Cô thật xứng đáng là một tiềm năng lớn đang được khởi sắc; tạo nên một điểm nhấn sinh thái và tự nhiên cho hành trình của du khách trong quần thể các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung như cố đô Huế, phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn.
Rời Hải Vọng Đài, chúng tôi xuyên rừng theo tuyến đường mòn khám phá thiên nhiên. Thoạt đầu bỡ ngỡ vì nghĩ rằng thiên nhiên có gì để chúng tôi khám phá; thế nhưng những tấm bảng nhỏ nhắn với các câu chữ dễ thương như “xin bạn giữ im lặng”, “vui lòng đi theo lối chỉ dẫn”, hay “xin hãy quan sát cẩn thận xung quanh bước chân bạn”… đã làm chúng tôi chú ý quan sát hơn. Quả thật rất nhiều điều thú vị đã làm cho chúng tôi càng phấn khích hơn trên mỗi bước chân cẩn thận và “dò xét” của mình. Một con sâu đang bò bỗng vo tròn lại như viên bi khi tôi khẽ chạm tay vào; một đôi kỳ nhông xanh như quen với con người cứ nằm yên cho chúng tôi chụp ảnh thỏa thích; vài chú sóc chuyền cành nhanh như chớp, cứ kêu “cạch cạch” như báo nhau là có người qua; những bông hoa dại lạ mắt đến những cây đùng đình khổng lồ, ngạo ngễ giữa rừng xanh; và ngạc nhiên nhất là chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều loài chim khác nhau như khướu bạc má, chìa vôi, chích chòe lửa và chim cu rốc với tiếng kêu rộn ràng và màu sắc xanh, vàng sặc sỡ. Có phải chăng nhờ những tấm bảng “xin bạn giữ im lặng”, “cấm săn bắt chim thú”... và sự tuần tra thường xuyên của các anh kiểm lâm mà chim thú ở nơi này có đủ tự tin để xuất hiện và chào đón chúng tôi như vậy! Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi - những người biết trân trọng thiên nhiên – cũng hàm ơn sự bảo vệ đó, và rất vui mừng là tháng 1 năm 2008 Vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định mở rộng diện tích quản lý từ 22.031ha lên đến 37.486ha, thuộc ranh giới địa phận hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Để ngắm được thác Đỗ Quyên phải leo xuống theo con đường dốc đứng với hơn 689 bậc cấp. Dọc theo con đường này hàng trăm cây cổ thụ to lớn mọc san sát bên nhau. Những cây chò chai mang trên mình những túi nhựa đủng đỉnh như những tổ ong treo. Đó đây những nhành địa lan hoa trắng thơm ngần và cao cao trên cành các cây chò chỉ, gội nước, ươi bay còn có những nhành lan nhất điểm hồng, ý thảo và bạch hạc đung đưa. Có những mái núi với nhiều khóm hài vệ nữ mọc thành từng cụm, và những loài cây thuốc như sa nhân, trọng đũa, lá khôi thì không thiếu ở nơi này. Đúng như nhận xét của nhiều chuyên gia cho rằng VQGBM là trung tâm đa dạng sinh học của dải rừng tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam nối từ biên giới Việt – Lào đến biển Đông. Sự biến thiên của địa hình không những đã tạo cho Bạch Mã nhiều cảnh quan hùng vĩ mà còn làm phong phú quần thể các hệ sinh thái và thành phần các loài động, thực vật. Cho đến nay ở VQGBM có hơn 2.000 loài thực vật bậc cao, 335 loài chim, gần 1.000 loài thú và hàng trăm loài côn trùng, bò sát và lưỡng thể.
Đến chân thác Đỗ Quyên chúng tôi thật sự bị chinh phục bởi tạo hóa của thiên nhiên khi ban tặng cho Bạch Mã một ngọn thác hùng vĩ tôi chưa từng thấy trong đời. Thác Đỗ Quyên với chiều cao gần 300m, như một cột nước khổng lồ, trắng xóa phun ra từ miệng của trời xanh. Nước dội xuống các liền đá Granit đen tạo nên những cung bậc âm sắc rất kỳ thú và vui tai. Ở đây một lần nữa tôi lại nhắm mắt lại để cảm nhận sự mát dịu của những bọt nước bốc lên từ đá, ngẫm nghĩ về sự tài tình của tạo hóa thiên nhiên. Câu hỏi là nước ở đâu mà cứ tuôn trào từ núi cao như vậy? Những ngày này trời cũng chẳng có mưa! Bạn tôi bảo là do rừng ở đây tốt nên có thể giữ và điều tiết nguồn nước. Có người lại bảo là do tán lá của những khu rừng có thể giữ lấy mây, mây ngưng tụ trên lá, nhỏ xuống đất hoặc chảy theo cành, xuống thân và đất; và hiện tượng này còn gọi là “mưa ảo” ở núi cao - tức là trời không mưa nhưng nước vẫn giọt! Điều này rất quan trọng vì có những tháng hạn kéo dài nhưng nước ở các con sông ở hạ lưu vẫn không bị khô kiệt.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BẠCH MÃ
Với nguyên tắc “3 không”: “Không giết gì ngoài thời gian; Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp; Không để lại gì ngoài những dấu chân”, Bạch Mã được đánh giá là nơi có môi trường sạch sẽ nhất khi so sánh với những khu du lịch mang tính tự nhiên ở Việt Nam. Ở đây có những biển khuyến cáo đem rác ra khỏi rừng và phát túi giấy đựng rác để khuyến khích du khách đem rác về nhà bằng những quà tặng đáng yêu. Không ở đâu lại có người hàng ngày đi nhặt rác trong rừng như ở Bạch Mã. Nhờ đó mà các tuyến đường mòn và các điểm du lịch ở đây rất sạch. Những tấm biển: “Xin bạn vui lòng đem rác ra khỏi rừng”, “Tại sao không có thùng rác ở đây?” cùng các hình ảnh giải thích về ảnh hưởng của rác đến môi trường đã làm cho chúng tôi ý thức hơn khi có ý định vứt rác. Khi đến đỉnh đầu của thác Đỗ Quyên, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng rất đáng suy nghĩ là một hướng dẫn viên vừa giới thiệu vừa cúi mình nhặt một mẩu rác để vào ba lô của mình khi một người khách vô ý vứt xuống nền đá. Liệu hình ảnh anh hướng dẫn nhặt mẩu rác như một phản xạ tự nhiên đó có đánh thức được sự vô thức xả rác của người khách đó không nhỉ?! Đến đây, tôi mới thấm nhuần thông điệp ở Trung tâm Du khách Bạch Mã là “Bảo vệ môi trường – hãy bắt đầu từ việc nhặt rác ngay dưới chân mình!”. Nhìn dòng thác Đỗ Quyên ào ào đổ xuống hạ lưu là dòng Tả Trạch, tôi chợt nghĩ nếu ở đây không giữ sạch rác thì sông Hương rồi sẽ ra sao?
Đoàn tham quan leo ngược trở lại để lên đỉnh thác và đi ra đến đường ôtô thì trời chập tối, kết thúc chuyến thăm Bạch Mã để lại sau lưng những địa danh hấp dẫn như thác Ngũ Hồ, thác Bạc, thác Trĩ Sao, rừng Chò Đen hay công viên Đá Hát, và những ngôi biệt thự có từ thời Pháp... Một ngày nào đó chúng tôi sẽ quay trở lại!
LINH VŨ