Tính đến quý I năm 2020, An Giang đón 34,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch; trong đó, khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ trên 3,5 triệu lượt; khách quốc tế ước đạt 377 nghìn lượt; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 18.600 tỷ đồng.
Về hệ thống lưu trú du lịch, có 97 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 4 sao; 6 khách sạn 3 sao; 7 khách sạn 2 sao; 39 khách sạn 1 sao. Về lữ hành, có 2 công ty lữ hành nội địa; 11 công ty lữ hành quốc tế; 1 công ty vận chuyển đường bộ; 3 công ty vận chuyển đường thủy...
Chú trọng phát triển hạ tầng du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Du lịch An Giang đã hoàn thành 3 quy hoạch khu, điểm du lịch cấp quốc gia và cấp tỉnh: Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Giai đoạn 2016 - 2020, An Giang tập trung vốn đầu tư các dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu du lịch phục vụ phát triển du lịch.
Đối với hạ tầng giao thông, đầu tư các dự án lĩnh vực giao thông phục vụ phát triển du lịch như: đường tỉnh 941, 942, 943, 945, 948, 955A, 957 và 2 tuyến đường đầu tư trên địa bàn huyện Thoại Sơn...; đầu tư 11 tuyến tỉnh lộ, quốc lộ kết nối các khu - điểm du lịch. Về đường thủy, có 2.430km đường thủy nội địa, hệ thống kết nối đường thủy và đường bộ bao gồm 1 cảng biển, 6 cảng thủy nội địa, trong đó có cảng thủy nội địa hành khách.
Đối với hạ tầng các khu du lịch, sau 4 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh An Giang đã thu hút đầu tư 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.328 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như: Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm)…
Về phát triển sản phẩm, mô hình du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành Du lịch tỉnh; phát triển ngành Du lịch của tỉnh An Giang theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước.
Các lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành các sản phẩm du lịch quan trọng như Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, Lễ hội văn hóa Búng Bình Thiên cùng các lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Hoa, Chăm, Khmer trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực An Giang bắt đầu được quan tâm khai thác và được thị trường đón nhận tích cực với những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập như bún cá Long Xuyên, chè bưởi Long Xuyên, mắm thái Châu Đốc, mắm cá linh An Giang…
Du lịch làng nghề được khai thác để phục vụ nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách, mang lại lợi ích kinh tế; góp phần tôn vinh, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, khôi phục phát triển làng nghề…
Các mô hình du lịch sinh thái nhà vườn, du lịch nông nghiệp công nghệ cao có xu hướng phát triển mạnh như các điểm du lịch sinh thái nhà vườn Cù lao Giêng, xã Mỹ Hòa Hưng, Vàm Nao, mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc.
Du lịch phượt trải nghiệm và khám phá những địa điểm mới bắt đầu phát triển và được khách du lịch quan tâm. Trong đó, huyện Tri Tôn có rất nhiều cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch phượt...
Ngoài ra, để triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ du lịch, ngành Du lịch đã mời chuyên gia tư vấn thuộc Tổ chức Hỗ trợ Quốc tế Hà Lan (Programma Uitzending Managers) tư vấn Đề án xây dựng thương hiệu du lịch An Giang “The Stone Into The Water - Đồng tâm lan tỏa”. Đề án tập trung phát triển 5 loại hình sản phẩm phù hợp với các địa bàn du lịch trọng điểm: du lịch tâm linh - núi Sam (Châu Đốc); du lịch nghỉ dưỡng kết hợp liệu pháp thiền định - núi Cấm (Tịnh Biên); du lịch văn hóa, lịch sử - Óc Eo (Thoại Sơn) và du lịch xanh, du lịch sinh thái nhà vườn tại một số địa điểm như rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), cù lao ông Hổ (Long Xuyên), cù lao Giêng (Chợ Mới)…
Về ứng dụng công nghệ thông tin, tại An Giang hiện nay Internet phủ khắp địa bàn dân cư, đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh và du khách. Năm 2020, ngành Du lịch An Giang tiếp tục triển khai hoạt động Cổng thông tin du lịch An Giang (www.checkinangiang.vn) và Ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại thông minh (checkinangiang); lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh và quảng bá du lịch; triển khai thí điểm Hệ thống Du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh An Giang; triển khai Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019 - 2025, định hướng 2030...
Thúc đẩy phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025
Giai đoạn 2021 - 2025, Du lịch An Giang đặt mục tiêu khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 2021 - 2025 đạt tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách vào năm 2025 với số ngày lưu trú bình quân là 3,0 ngày. Đến năm 2025, có thêm ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.
Để đạt được mục tiêu đó, Du lịch An Giang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách; đẩy nhanh tiến độ các dự án có quy mô lớn gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển mạnh khoa học công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến. Tập trung đầu tư phát triển hai địa bàn trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Núi Sam (Châu Đốc), Khu du lịch Núi Cấm, Điểm du lịch rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); trong đó chọn Châu Đốc làm trung tâm kết nối tuyến ngoại tỉnh thành phố Hồ Chí Minh - Tân Châu - Châu Đốc và các điểm tham quan Óc Eo, đồi Tức Dụp, Khu du lịch Núi Cấm, điểm du lịch rừng tràm Trà Sư và nối tuyến sang tỉnh Kiên Giang. Tiếp tục mời gọi các đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, giai đoạn tới có các nhà đầu tư: Sun Group, Vin Group, FLC, T&T, Phú Cường… sẽ đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần tạo thêm sản phẩm mới cho Du lịch An Giang.
Triển khai Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019 - 2025, định hướng 2030. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chính thống về quảng bá du lịch An Giang tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, thuyết minh, quảng bá du lịch An Giang; ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch trên thiết bị thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, xây dựng website (chú trọng tiếng Anh), vận dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube...), với nhiều tiện ích mới, hữu ích cho khách du lịch và khách sạn...
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, huy động các nguồn lực để tăng cường năng lực đào tạo bằng nhiều hình thức đảm bảo được yêu cầu về số lượng, chất lượng...
Tăng cường mở rộng liên kết và phát triển du lịch An Giang với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm xây dựng nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng và đặc trưng của địa phương nhằm thu hút du khách du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch An Giang bằng nhiều hình thức.
Về phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng Đề án Phát triển Sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó tập trung phát triển: Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Núi Cấm, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khu du lịch Núi Sập - Óc Eo theo hướng phát triển bền vững song song với việc vận động doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường du lịch. Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững...
Trang Lê