(Tạp chí Du lịch) - Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, đã thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
Theo đó, mức điều chỉnh tăng lần này được phân chia theo 4 khu vực tham quan (chủ yếu áp dụng cho khách quốc tế và khách nội địa): nhóm 1 quần thể di tích Hoàng Cung Huế tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng; nhóm 2 quần thể các lăng vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng; nhóm 3 quần thể các lăng vua Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng; nhóm 4 điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng. Riêng giá vé gộp 4 điểm tham quan được giảm từ 650.000 đồng xuống 530.000 đồng. Ngoài ra còn có một số chính sách đối với người già, trẻ em, người khuyết tật, học sinh, sinh viên, người Huế và các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Mục tiêu của việc điều chỉnh phí tham quan lần này là nhằm phấn đấu tăng trưởng nguồn thu từ bán vé tham quan di tích Huế giai đoạn 2020 - 2022 đạt 5 - 10%; giảm gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, tăng cường nguồn đầu tư ngân sách địa phương từ việc phát huy giá trị di tích phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, trả lại giá trị nguyên vẹn các công trình kiến trúc; đồng thời, mở rộng quy mô phục vụ, tạo thêm điểm nhấn mới cũng như thu hút và làm tăng khả năng tham quan của du khách…
Bên cạnh việc tăng phí tham quan, trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Sở Du lịch Thừa thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần phối hợp với các đơn vị lữ hành tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm tăng lượng du khách đến tham quan, nhất là kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến Huế…
Minh Hạnh