Khái niệm “bù đắp”
“Ghép nối” là ý tưởng xuất phát từ khái niệm “bù đắp”, khi các công ty bồi thường hiệu ứng khí thải nhà kính do họ gây ra bằng cách trao ngân sách cho các dự án trồng rừng ở khắp nơi trên thế giới. Dự án Pur và tổ chức từ thiện phục hồi rừng Plan Vivo Foundation đã đặt ra thuật ngữ này. Thay vì chỉ bồi thường tác động khí hậu bằng cách trả tiền trước, Accor lại chú trọng giúp đỡ các hệ sinh thái và các cộng đồng chịu sự tác động trực tiếp của tập đoàn. Việc tạo ra những giá trị dài hạn cho tất cả các bên liên quan đã giúp tập đoàn duy trì được các nguồn tài nguyên mà họ phụ thuộc, đồng thời bảo vệ giá trị thị trường của họ.

Tại AccorHotels, “ghép nối” là nguyên tắc hướng dẫn của “Kế hoạch hành tinh” được tung ra vào năm 2009. Kể từ đó, AccorHotels đã trồng hơn 4,5 triệu cây tại 25 quốc gia - những nơi có mặt các khách sạn thuộc tập đoàn này. Chẳng hạn như ở Peru, AccorHotels đã hỗ trợ các nhà sản xuất đường và ca cao quy mô nhỏ tái trồng rừng ở những khu vực bị suy thoái; trong khi đó ở Brazil, AccorHotels đã giúp duy trì các tài nguyên nước bằng cách trồng cây dọc theo lòng chảo và các bờ sông.
Đề cao giá trị đạo đức
Tại một số quốc gia, AccorHotels đã mở rộng quy mô của chương trình nhằm sáng tạo ra một chu kỳ đạo đức của các lợi ích xã hội - kinh tế cho nông dân và cho cả tập đoàn. Ngoài việc mua sản phẩm hữu cơ từ nông dân địa phương ở Thái Lan, AccorHotels cũng trao ngân sách tài chính cho việc trồng cây ô liu trong thung lũng Rif ở Ma Rốc. Tại đó, cây ô liu là giải pháp thay thế cho canh tác cần sa. AccorHotels còn mua dầu ô liu đã qua sản xuất để sử dụng tại các khách sạn của tập đoàn ở Ma Rốc.

Kể từ khi “Kế hoạch cho hành tinh” khởi động, AccorHotels đã tiết kiệm được 13 triệu Euro hóa đơn tiền giặt ủi, một nửa số tiền đó đã quay ngược lại tái đầu tư vào các dự án trồng rừng. Nhờ vào chương trình này mà chuỗi khách sạn Accor đã tạo ra sự đa dạng hóa nguồn cung, giữ chân lượng khách hàng trung thành và doanh số phòng cũng tăng trưởng tốt hơn. Ông Arnaud Herrmann - Phó Chủ tịch tập đoàn AccorHotels cho biết, chương trình đã khích lệ các nhân viên tự giác tham gia vào hoạt động trồng rừng, đồng thời nâng cao chế độ lương bổng cho chính họ.
Những người nông dân cũng khẳng định, “Kế hoạch cho hành tinh” đã giúp họ cải thiện sinh kế. Ông Khajornrat Surakot, Phó Chủ tịch Hợp tác xã Um Sang, một tập thể các nhà nông trồng lúa hữu cơ ở Đông Bắc Thái Lan cho biết, việc AccorHotels hỗ trợ trồng cây đã mang lại những phương pháp canh tác bền vững cho họ: “Cây cối đã thuhút côn trùng và chim chóc, nhờ đó nông dân không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Họ cũng cải thiện chất lượng không khí, và dùng lá rụng làm phân bón tự nhiên. Chúng tôi vui vì AccorHotels không chỉ hỗ trợ chúng tôi trồng cây mà còn mua các sản phẩm của chúng tôi. Điều này kích thích nông dân tiếp tục hoàn thiện các dự án nông nghiệp hữu cơ”.
Có thể nói, mô hình trách nhiệm môi trường mà AccorHotels thực hiện là mô hình đạo đức và có thể nhân rộng sang các tập đoàn khách sạn khác trên thế giới. AccorHotels hứa hẹn, tập đoàn sẽ trồng thêm 10 triệu cây vào năm 2021.
Thành công đi liền với trách nhiệm
Một trong những lý do then chốt khiến AccorHotels có một chương trình “ghép nối” thành công vượt mong đợi là bởi chuỗi khách sạn này đã nhận thức sâu sắc về tác động kinh tế - xã hội toàn cầu. Được thành lập vào năm 1967, tập đoàn đa quốc gia của Pháp này đang điều hành hơn 3.800 khách sạn tại 92 quốc gia trên thế giới. Accor đang duy trì khoảng 880.000 việc làm trên toàn cầu bao gồm 700.000 việc làm gián tiếp trong các lĩnh vực như giặt ủi, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và vận chuyển. Tập đoàn đã đóng góp 22 tỷ Euro cho tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) - tương tự GDP của cả một quốc gia như Cộng hòa Síp.
Những con số này cho thấy, tập đoàn AccorHotels đã “sáng tạo ra một phương cách giá trị bám chặt rễ trong các cộng đồng địa phương”, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của cả hệ thống đối với những quốc gia mà khách sạn Accor đang hoạt động kinh doanh. AccorHotels cũng đang cung cấp khoảng 306.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp ở châu Á - Thái Bình Dương, khoảng 1/3 so với tổng việc làm của AccorHotels trên phạm vi toàn cầu, và khu vực này cũng đại diện cho 1/5 tổng đóng góp GDP toàn cầu của AccorHotels.
Tất cả chung một con thuyền
“Kế hoạch cho hành tinh” là một trong nhiều dự án trách nhiệm xã hội và môi trường của tập đoàn AccorHotels, tất cả đều được hợp nhất chiếu theo sáng kiến bền vững của AccorHotels gọi là Planet 21. Planet 21 là một tập hợp của 21 cam kết trải rộng trên 7 mục, bao gồm giảm thiểu khí thải carbon, công bằng việc làm, thúc đẩy sức khỏe lành mạnh của khách hàng và nhân viên. Chương trình mở rộng của AccorHotels được khởi động từ năm 2012 có liên quan đến một phiên bản về Điều lệ môi trường AccorHotels (AHEC) - một sáng kiến bền vững đã có ảnh hưởng kể từ năm 1997. Ban đầu Planet 21 đã có những mục tiêu được hoàn thành vào năm 2015, và qua các đánh giá sơ bộ cho thấy phần lớn các chỉ tiêu đã được đáp ứng. Tuy vậy, một vài mục tiêu cần được điều chỉnh lại, và tập đoàn vẫn đang trong quá trình xác minh các số liệu của mình.
Ngoài ra, còn có một sáng kiến song song mang tên là Điều lệ 21 trong đó chỉ ra 65 điểm hành động chú trọng vào bền vững mà AccorHotels phải tuân thủ, chẳng hạn như lắp đặt các bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện năng, sử dụng các sản phẩm gắn nhãn sinh thái ở các phòng khách...
Không chỉ có hẳn một tổ chức gồm 100 nhân viên để quản lý các nỗ lực trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), AccorHotels còn trực tiếp trao tiền thưởng cho các tổng quản lý khách sạn trong hệ thống đạt được thành tích đối với các mục tiêu CSR. Bên cạnh đó, tất cả các nhân viên đều được đào tạo việc vận dụng các sáng kiến của Planet 21 và các đơn vị đã tổ chức những chương trình đặc biệt như Ngày Planet 21 - khuyến khích hành động vì phát triển bền vững, bao gồm “Chiến dịch ôm cây cối” (các nhân viên “mặc áo” cho cây cối, và cho phép khách cùng ôm cây để thu về những khoản tiền tài trợ), hay “Dạ tiệc qúy ông và quý bà thảo mộc” được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) - một show thời trang với các nhân viên khách sạn mặc quần áo làm từ các vật liệu tái chế.
Có thể nói, với việc khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động đầy năng động, AccorHotels đã nâng cao cảnh giác và giúp họ luôn quan tâm đến phát triển bền vững, rồi cuối cùng thực hành nó trong đời sống thường nhật của họ.
Nguyễn Thanh Hải
Tạp chí Du lịch