Bên cạnh đặt chân tới khắp các miền đất xinh đẹp trên dải đất chữ S, thì chinh phục được hết “4 cực, một đỉnh, một ngã ba” ở Việt Nam chính là niềm mong muốn của những người ưa khám phá. Ngoài 4 cực (cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đôi, cực Nam Đất Mũi), 1 đỉnh Fansipan nổi tiếng thì một ngã ba Đông Dương (thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) - nơi tiếp giá ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là nơi bạn có thể đến để thử cảm giác “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe thấy”.
Cung đường Pleiku - Kon Tum

Để tới được ngã ba Đông Dương, chúng tôi đáp máy bay tới Pleiku - Gia Lai, hoặc bạn cũng có thể đến Buôn Ma Thuột khởi động cho cả một hành trình vòng quanh Tây Nguyên trước khi chinh phục ngã ba. Chúng tôi dành thời gian ở Pleiku thăm thú khắp nơi. Đường phố Pleiku rộng thoáng và sạch đẹp, những thanh ngăn đường màu sắc xanh đỏ rất vui mắt. Quảng trường Đại Đoàn Kết to rộng nằm giữa trung tâm thành phố. Sau khi ghé thăm nhà lao Pleiku, chùa Minh Thành - ngôi chùa được coi là đẹp nhất Gia Lai, chúng tôi chạy xe lên Biển Hồ Pleiku. Con đường vào Biển Hồ thơ mộng với hàng thông hai bên đường vi vu trong gió. Xung quanh bờ hồ là những rặng trúc tạo thành những đường hầm lá vàng khô rất lãng mạn. Khung cảnh thanh bình và đẹp nao lòng!
Buổi chiều, chúng tôi đón xe buýt đi Kon Tum. Mùa này, vẫn lác đác thấy những vạt cà phê hai bên đường nở hoa trắng muốt và thơm ngát. Xen lẫn những vườn cà phê là những vươn tiêu thẳng tắp. Mặt trời đỏ ối buông sắc hoàng hôn xuống những cung đường. Dẫu thế, gần tới Kon Tum, trời bất chợt lại có mưa nhỏ, gió mát lồng lộng thổi từ phía dòng Đăk Bla. Thành phố Kon Tum nổi tiếng với ngôi nhà thờ gỗ với tuổi đời hơn 100 năm nằm trên đường Nguyễn Huệ. Buổi tối, hương hoa nhãn thoang thoảng khắp con đường theo chúng tôi dạo bước tới gần nhà thờ gỗ. Một quán chè chuối nướng nằm trên con phố này đã mở gần 25 năm nay. Chè chuối nướng được làm từ chuối nguyên quả, bọc bột nếp bên ngoài rồi đưa lên nướng, cắt nhỏ ra dĩa tưới nước cốt dừa bột báng lên, hương vị ngọt ngọt thơm thơm rất dễ nhớ. Bởi thế nên quán chè này đã trở thành một địa chỉ ẩm thực độc đáo được nhiều người yêu mến.
Bên cạnh đó, Kon Tum còn rất nhiều những đặc sản hấp dẫn du khách nếu nếu dành thời gian ở đây như: gỏi lá độc đáo được làm từ thịt heo với hơn 40 loại lá rừng và gia vị, cá chua - món ăn của người Jẻ Triêng được làm từ cá niệng muối chua cùng nhiều nguyên liệu đặc biệt của núi rừng, xôi măng, phở khô, gà nướng, bò nướng ống tre ăn kèm các loại lá rừng…
Chạm đến ngã ba Đông Dương
Sáng hôm sau, chúng tôi xuất phát từ thành phố Kon Tum hướng đi cửa khẩu Bờ Y, bắt đầu hành trình “chinh phục” ngã ba Đông Dương. Hai bên đường đi là cánh rừng cao su thẳng đều tăm tắp, tỏa hương dễ chịu, điểm xuyết vài ruộng lúa, thảm cỏ xanh mát. Con đường qua địa phận Đăk Hà thoáng rộng, lượn theo đồi rất đẹp, thỉnh thoảng thấy một vài vườn cà phê trải rộng. Khoảng hơn một tiếng, chúng tôi qua Đăk Tô với di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Ánh nắng Tây Nguyên ngày càng chói chang phủ xuống vạt đồi lúc là cà phê lúc là cao su thẳng tắp theo cung đường khoảng hơn 20km tiếp tục đến với xã biên giới Bờ Y (thuộc huyện Ngọc Hồi), nơi cuộc sống của người Tây Nguyên thanh bình và yên ả. Nếu dừng chân nghỉ ở một chợ ven đường, bạn có thể vừa thưởng thức ly cà phê Tây Nguyên vừa lắng nghe câu chuyện của những người dân nơi đây để cảm nhận “chất Tây Nguyên” trong từng hơi thở.

Đi thêm khoảng hơn 20km, chúng tôi đặt chân tới cửa khẩu quốc tế Bờ Y, xuất trình giấy tờ và tiếp tục con đường đến “ngã ba Đông Dương” - cột mốc ranh giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Con đường hơn 10km vòng vèo quanh mấy ngọn đồi, có đoạn trải xi-măng khá đẹp, rồi lại quanh co đường đất đỏ lên xuống dốc, ngoằn ngoèo dưới cái nắng và gió của miền đại ngàn. Hai bên con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi rợp bóng lau trắng vươn mình phất phơ trong gió. Theo chỉ dẫn, chúng tôi vượt nốt những bậc thang đá phủ màu rêu xanh cuối cùng để chạm đến cột mốc thiêng liêng của vùng biên giới giữa ba nước. Cột mốc làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi có độ cao 1.086m so với mặt biển, có hình trụ tam giác, mỗi mặt quay về hướng quốc gia đó đều có tên nước và quốc huy trang trọng.
Cùng với chúng tôi, cũng có một đoàn du khách đã tới đây, trong đó có cả những bác đã lớn tuổi. Các bác đang rất hào hứng chạm tay vào cột mốc, ghi lại những bức ảnh kỷ niệm cho một chuyến đi đến vùng biên giới của Tổ quốc. “Nga ba Đông Dương” không khó chinh phục, nhưng có lẽ với bất kỳ ai, được chạm đến nơi tam biên này và phóng tầm mắt ngắm nhìn vùng biên trù phú, đều cảm thấy thực sự xúc động. Và, chúng tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi có thể được đi và trải nghiệm những hành trình đặt chân đến mọi miền đất nước, để thấy Tổ quốc đẹp biết bao!
- Di chuyển: có nhiều đường và phương tiện để đến với ngã ba Đông Dương tùy theo địa điểm bạn xuất phát. Nếu từ phía Bắc, có thể đáp máy bay đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hoặc Pleiku (Gia Lai) và tiếp tục đi xe khách đến Ngọc Hồi. Nếu từ thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh ở dọc quốc lộ 1A như Quảng Bình, Quảng Ngãi… đến Kon Tum thì hãy tính cung đường hợp lý nhất cho bạn để có thể khám phá được cả vùng đất Tây Nguyên. Ngoài ra, du khách cũng có thể kết nối hành trình đến Quảng Ngãi khám phá biển đảo Lý Sơn, hoặc hướng đi Nha Trang khám phá biển đảo nơi đây…
- Ở Kon Tum, bạn có nhiều lựa chọn để tham quan như nhà rông Kon Klor lớn nhất Kon Tum, cầu treo KonKlor nối liền hai bờ của dòng Đăk Bla, hay Khu du lịch sinh thái Măng Đen được ví như “Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên” nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan hấp dẫn… |
Hoa Trang
Tạp chí Du lịch