1. Nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa
Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo Lễ ra quân chống rác thải nhựa tại Hà Nội và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm nhất quán phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Thủ tướng khẳng định môi trường là một trong 3 trụ cột phát triển bền vững và kêu gọi toàn thể cộng đồng nâng cao trách nhiệm xã hội, chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP nhằm nâng cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành trước những tác động kép của biến đổi khí hậu và nhân sinh; tăng cường thể chế điều phối, liên kết vùng, các nguồn lực và huy động sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân cùng với các cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện các chương trình, dự án về hạ tầng phục vụ chuyển đổi quy mô lớn; đẩy nhanh quy hoạch tổng thể phát triển vùng, hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam khẳng định lịch sử hình thành và phát triển; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đại diện thường trực của Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á khu vực 2 (RA II); tham gia chương trình của Khóa họp Đại hội đồng Khí tượng thế giới lần thứ 18; quản lý, vận hành, chia sẻ hiệu quả thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho khu vực Đông Nam Á thông qua Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực và nhiều hoạt động quốc tế khác.
4. Nhiều sự cố, vấn đề liên quan đến môi trường phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân
Các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường sống của người dân; xả thải gây ô nhiễm nguồn nước gây khủng hoảng nước sạch tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
5. Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Ủy hội đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố Siêm Riệp 2018; cập nhật Chiến lược phát triển lưu vực cho giai đoạn 10 năm tới và các chiến lược về phát triển thủy điện bền vững, quản lý hạn; thực hiện bộ Quy chế sử dụng nước, trong đó chú trọng thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận đối với các dự án thủy điện dòng chính sông Mê Kông.
6. Khánh thành hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET)
Hoàn thành công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia phục vụ ký các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia năm 2019.
7. Hoàn thành bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 thống nhất theo hệ quy chiếu quốc gia VN-2000 trên quy mô toàn quốc
Bộ bản đồ đã được bàn giao để làm cơ sở thông tin dữ liệu tài nguyên nước dưới đất nhằm phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương.
8. Năm có nhiều nhất Vườn di sản ASEAN được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận
Năm nay, Việt Nam có thêm các vườn quốc gia: Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh), Bidoup Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng), Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN. Qua đó, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều nhất Vườn Di sản của khu vực ASEAN với tổng số 10 Vườn đến thời điểm hiện nay.
9. Hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 về cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
10. Hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững được các địa phương tích cực thực hiện.
Trong đó, thành phố Đà Nẵng đã tổng kết 10 năm thực hiện Đề án thành phố môi trường; nhiều công trình bảo vệ môi trường nông thôn được tập trung đầu tư, chất lượng môi trường được nâng cao.
PV