Theo đó, toàn ngành vệ sinh làm việc cả ngày lẫn đêm và các phương tiện chuyên dụng được lưu thông trong các giờ cao điểm để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng trên toàn địa bàn thành phố; đặc biệt, đối với đường hoa Nguyễn Huệ và các nơi tổ chức lễ hội pháo hoa giao thừa. Chủ các phương tiện hoạt động phải đảm bảo vệ sinh, không để tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt và nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
UBND các quận, huyện phải chủ trì, phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ ở địa phương thực hiện việc bố trí đủ số lượng nhân sự, phương tiện chuyên dụng phù hợp với đặc điểm của địa phương để duy trì công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các tuyến đường chính trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh, mỹ quan đô thị của thành phố trong những ngày đầu xuân.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện vận động, yêu cầu các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên mặt tiền đường phải thực hiện dọn dẹp, vệ sinh, giữ gìn vệ sinh ở phía trước cửa nhà hoặc trước nơi sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Thực hiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt trực tiếp cho đơn vị thu gom tại nguồn hoặc bố trí khu vực và tự trang bị thùng rác để lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt để chờ đơn vị thu gom tại nguồn đến thu gom, tuyệt đối không để chất thải rắn sinh hoạt ở trên vỉa hè, lòng đường, trước miệng hố ga thoát nước.
Ngoài ra, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan, công sở thực hiện trồng cây và tạo mảng xanh ở phía trong và xung quanh nơi làm việc; phát động phong trào trồng cây, tăng mảng xanh trên mặt đứng tại các công trình nhà cao tầng, công trình cầu và không gian trong nhà, sân, tường rào, tường nhà, mái nhà… của các hộ gia đình, nhằm cải thiện chất lượng không khí, tạo cảnh quan xanh, sạch trên địa bàn thành phố.
PV