Đánh giá sức chịu tải môi trường đối với các khu, điểm du lịch trọng điểm tại Việt Nam
Trong 10 năm qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%/năm. Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến môi trường, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa. “Sự tăng trưởng cao của lượng khách du lịch cùng với xu hướng du lịch đại trà và tính thời vụ của hoạt động du lịch tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã dẫn đến nhiều khu, điểm du lịch bị quá tải trong sử dụng hạ tầng, việc thu gom, xử lý chất thải có những bất cập và kiểm soát những tác động tiêu cực lên hệ sinh thái còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự gia tăng lượng khách cũng góp phần làm ảnh hưởng đến môi trường xã hội, biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống” - Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định tại hội thảo.
Trước bối cảnh này, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục Du lịch đã giao viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nghiên cứu thử nghiệm việc đánh giá sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm du lịch. Đây là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa để làm căn cứ quản lý và kiểm soát sự gia tăng khách du lịch tại các khu, điểm du lịch ở Việt Nam, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
Theo đó, sức chịu tải môi trường đối với khu, điểm du lịch là khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong không gian khu điểm du lịch và trong phạm vi giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại khu, điểm đó. Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã báo cáo những kết quả ban đầu về đánh giá sức chịu tải môi trường tại Vườn quốc gia Cúc Phương và điểm du lịch Bản Lác - hai trong số 4 khu, điểm du lịch được lựa chọn để đánh giá về sức chịu tải môi trường.
Vườn quốc gia Cúc Phương (thuộc địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa với tổng diện tích là 22.000 ha) là nơi có hệ sinh thái phong phú (rừng, động vật, sông hồ…) cùng tài nguyên văn hóa với đời sống của người dân địa phương, người dân tộc thiểu số. Các hoạt động du lịch được tổ chức tại 3 khu vực chính là: khu dịch vụ trung tâm Vườn quốc gia; khu dịch vụ Hồ Mạc cách cổng vào khoảng 1km; khu dịch vụ Trung tâm Bống cách cổng vào khoảng 20km, cũng là điểm tổ chức ăn uống và lưu trú. Năm 2018, VQG Cúc Phương đón khoảng 120.900 lượt khách, trong đó có 26.255 lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 4,8 tỷ đồng. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, với tính chất là khu du lịch sinh thái, thực tế số lượng khách tham quan hiện nay thấp hơn sức chịu tải môi trường tính được đối với VQG Cúc Phương. Về mặt lý thuyết, VQG Cúc Phương có thể đón tối đa 1.835 khách du lịch/ngày. Trong số 1.835 khách/ngày, nếu xét các điều kiện cấp nước, thu gom và xử lý chất thải lỏng thì chỉ có thể tối đa là 50 khách lưu trú.
Điểm du lịch Bản Lác thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình, có diện tích tự nhiên là 6,5ha, nằm trong khu vực vùng cao của tỉnh Hòa Bình, cách tỉnh lỵ 67km về phía Tây và cách Hà Nội 170km. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, với văn hóa đặc trưng dân tộc Thái cùng ẩm thực độc đáo, thu hút khách du lịch. Từ khi công bố Quy hoạch điểm du lịch quốc gia Mai Châu, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng. Sản phẩm du lịch tập trung vào du lịch sinh thái, cộng đồng. Năm 2018, lượng khách đến với bản Lác đạt 19.350 lượt. Theo kết quả tính toán, nếu không xét sức chịu tải hệ thống thu gom chất thải rắn, sức chịu tải môi trường của bản Lác chỉ là 250 người/ngày. Vào những ngày thường, bản Lác vẫn đủ sức đón khách, tuy nhiên vào nhưng dịp cuối tuần, lượng khách vượt ngưỡng chịu tải về không gian, khả năng thu gom rác, khả năng cung cấp nước sạch. Để đảm bảo sức chịu tải môi trường trong ngưỡng chịu tải của điểm du lịch, cần phải có sự thay đổi như tăng diện tích thực tế dành cho du lịch, thu hút khách đến nhiều hơn vào ngày trong tuần và mùa thấp điểm, tăng cường năng lực thu gom rác thải và cung cấp nước sạch...
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp nhằm phát triển du lịch tại VQG Cúc Phương và điểm du lịch bản Lác, trong đó tập trung vào khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường… Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp góp phần hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.
T.L