1. Kinh tế chia sẻ là gì
Theo Wikipedia, “Sharing economy” hay “Kinh tế chia sẻ” là mô hình “thị trường lai” (ở giữa sở hữu và tặng quà), trong đó đề cập đến việc chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng). Kinh tế chia sẻ cũng được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet. Đó là một mô hình kết nối đ��� những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau.
Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều mô hình kinh tế chia sẻ và gây được sự chú ý của cộng đồng như Uber, Airbnb, Relayrides, TaskRabbit, Car Pooling… Với sự phát triển và hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao, các mô hình kinh tế chia sẻ kể trên từng bước phát triển một cách vững chắc, len lỏi vào trong đời sống của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Không đứng ngoài xu thế chung của toàn cầu, một số mô hình kinh tế chia sẻ đã bước đầu xuất hiện ở Việt Nam, nơi có lực lượng tiêu dùng trẻ hùng hậu với sự nhạy cảm về công nghệ, về cái mới luôn là mảnh đất màu mỡ cho các mô hình kinh tế này tồn tại và phát triển.
2. Một số mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú
Nếu như trước đây khi lên kế hoạch đi du lịch hoặc công cán tới một địa phương nào đó trong vài ngày hoặc nhiều hơn chúng ta thường nghĩ ngay đến việc tìm một khách sạn hay nhà nghỉ thậm trí nhà trọ để “tá túc” trong những ngày lưu lại địa phương đó. Thì giờ đây với sự xuất hiện của hoạt đông kinh doanh lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ và sự giúp đỡ của công nghệ số, việc lựa chọn một chỗ nghỉ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, ngoài một căn phòng khép kín trong khách sạn nhà nghỉ, nhà trọ… khách hàng có thể lựa chọn cho mình nhiều hình thức lưu trú khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và mục đích chuyến đi.
Airbnb là viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast, là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng (chủ nhà/chủ phòng trọ/căn hộ/villas) cho thuê với người thuê phòng (đi du lịch/công tác) cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng di động với thủ tục, cách làm cực kì đơn giản mà giá lại rẻ, hợp lý hơn rất nhiều so với những trang web đặt phòng thông dụng khác như booking, agoda...
Airbnb bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam năm 2015 với khoảng 1.000 phòng được cho thuê và tăng gấp 6,5 lần tính đến giữa năm 2017. Đây được đánh giá là ứng dụng tuyệt vời và tiện ích giúp người đi du lịch, công tác tìm kiếm được những căn phòng trống như ý mình với giá cả phải chăng (vì kết hợp trực tiếp giữa chủ nhà và khách thuê) và mang lại sự thoải mái như ở tại nhà mình. Hiện nay, Airbnb khá phổ biến, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố du lịch lớn như Đà Lạt, Sapa, Hội An, Đà Nẵng… và dự báo sẽ tiếp tục được nhân rộng chỉ trong thời gian ngắn. Với khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6 - 12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ. Mức phí này vẫn đảm bảo người trả thấp hơn đặt phòng khách sạn qua các kênh truyền thống.
Travelmob
Cũng giống như Airbnb, Travelmob là một trang có thể đăng tải thông tin về việc cho thuê nhà hay phòng ngủ của trong thời gian ngắn hạn. Chủ nhà sẽ cung cấp thông tin cần thiết về vị trí, diện tích, giá cả miễn phí trên Travelmob qua đó du khách sẽ có sự lựa chọn nơi lưu trú phù hợp với nhu cầu của họ. Chủ nhà sẽ trả một khoản phí dịch vụ khi giao dịch thành công. Travelmob sẽ là trung gian giải quyết các giao dịch tài chính giữa hai bên. Được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, Travelmob hiện nay đã có mặt ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tại Việt Nam cũng đã có phiên bản tiếng Việt của Travelmob tại địa chỉ vn.travelmob.com
Luxstay
Được thành lập cuối năm 2016 bởi ông Nguyễn Văn Dũng - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Netlink, Luxstay là nền tảng trực tuyến kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn, trong đó có khách du lịch hoặc người kinh doanh.
Luxstay kết nối những chủ nhà cho thuê căn hộ du lịch cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng ngắn ngày với những khách hàng yêu thích sự trải nghiệm. Luxstay có một đội ngũ kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp sàng lọc kỹ càng từng căn hộ hợp tác listing. Tại thời điểm này chủ căn hộ hợp tác với Luxstay không những không mất phí mà còn được hỗ trợ truyền thông và các gói sản xuất hình ảnh hấp dẫn.
Trên đây là một số mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú bước đầu đã xuất hiện ở Việt Nam, có thể trong tương lai sẽ còn nhiều mô hình kinh tế chia sẻ nữa sẽ có mặt tại Việt Nam. Với một thị trường hơn 90 triệu dân cùng hạ tầng công nghệ ổn định, những mô hình này sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và người tiêu dùng cũng sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho nhu cầu của bản thân mình.
3. Những tác động của “kinh tế chia sẻ” đến hoạt động kinh doanh lưu trú
Từ một số mô hình kinh doanh theo kiểu “kinh tế chia sẻ” được đề cập ở trên, có thể nhận thấy phương thức kinh doanh này có những tác động nhất định đến phương thức kinh doanh lưu trú truyền thống
Thứ nhất, tuy không phải là một công ty kinh doanh khách sạn mà là một mô hình trung gian kết nối giữa người cho thuê phòng và khách du lịch nhưng mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ đã giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận và khai thác sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu và không có điều kiện sở hữu riêng (căn hộ; phòng nghỉ); đồng thời giúp người sở hữu tài sản (chủ của các căn hộ, phòng nghỉ) có cơ hội để tăng thêm thu nhập do đó trong tương lai, sự lớn mạnh của mô hình này sẽ là mối đe dọa với mô hình kinh doanh lưu trú truyền thống.
Thứ hai, mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ đem lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình. Nếu bạn đi nghỉ dưỡng cùng gia đình hoặc đông bạn bè, có thể thuê được những biệt thự, villas gồm nhiều phòng với giá rẻ. Với những ai thích du lịch bụi và muốn tiết kiệm chi phí lưu trú tối đa, có thể chọn hình thức Shared room để nghỉ ngơi.
Thứ ba, sự xuất hiện của mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ, buộc các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ. Không thể phủ nhận với mạng lưới phòng nghỉ và căn hộ cho thuê phủ rộng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, phương thức thanh toán đơn giản tiện ích và đặc biệt là sự trải nghiệm một hình thức lưu trú hoàn toàn mới với sự tiện ích, tự do thoải mái lại khá gần gũi với cộng đồng dân cư là những lợi thế mà mô hình kinh doanh này đem lại cho người tiêu dùng đã khiến cho thị phần của các khách sạn truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp.
Thứ tư, với phương thức hoạt động khá linh hoạt lại tận dụng tối đa sự trợ giúp của công nghệ, hình thức kinh doanh lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ có khả năng tiếp cận với khách hàng rộng rãi đây chính là vấn đề mà các doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ còn rất nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới với chủ chương “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, Du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ về chủ trương chính sách của Chính phủ. Thêm vào đó Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Diễn đàn Du lịch ASEAN; Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… Đây chính là sự quảng bá đầy đủ nhất, tốt nhất về một Việt Nam thân thiện hiếu khách và đặc biệt là an toàn an ninh chính trị đến bạn bè quốc tế. Những điều kiện trên tạo cho ngành Du lịch Việt Nam những cơ hội vàng để cất cánh. Là một bộ phận không thể thiếu trong kinh doanh du lịch, ngành kinh doanh lưu trú cần kịp tời nắm bắt những cơ hội và triển khai phương hướng kinh doanh phù hợp với sự phát triển của toàn ngành. Đổi mới phương thức kinh doanh, vận dụng tối đa sức mạnh công nghệ số là điều tất yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn theo phương thức truyền thống phải hướng tới.
Ths. Nguyễn Minh Thúy
Khoa Du lịch - Trường ĐHVH Hà Nội