Phiên hiến kế về phát triển Du lịch Việt Nam thu hút gần 300 đại biểu là các nhà quản lý du lịch, chuyên gia và giám đốc doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Các đại biểu đã tập trung thảo luận chủ đề “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày”, trong đó các nội dung được phân tích sâu và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện như: cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện hạ tầng hàng không Việt Nam, chiến lược quảng bá Du lịch Việt Nam.
Du lịch Việt Nam được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (theo NQ 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của BCH Trung ương Đảng CS Việt Nam). Trung bình 15 năm trở lại đây, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm.
Đến giai đoạn 2016 - 2018, Du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, trong đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng bình quân 25%/năm và doanh thu du lịch tăng 22,43 %/năm, cho thấy chất lượng dịch vụ và mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng lên. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển; loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng; chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao; lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD, tạo 4 triệu việc làm trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, Du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, cả nước với trên 40.000 doanh nghiệp du lịch sử dụng trên 2 triệu lao động, để đạt mục tiêu tăng trưởng du lịch, Diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp trình Chính phủ xem xét triển khai thực hiện, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, mở rộng chính sách miễn thị thực cho các nước trọng điểm khách du lịch đến Việt Nam. Đây là vấn đề mở đầu trong tăng trưởng nhanh của du lịch Việt Nam.
Thứ hai, để phát triển nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu hiện nay, cần khuyến khích kết nối giữa các trường và doanh nghiệp du lịch, cho phép thành lập mô hình hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa doanh nghiệp và trường học, trường trong doanh nghiệp.
Thứ ba, công tác xúc tiến du lịch: Quỹ phát triển du lịch theo mô hình hợp tác tài chính hiện nay hạn chế khả năng tiếp cận nguồn của tư nhân, vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để tận dụng mọi nguồn lực trong khối tư nhân.
Thứ tư, cho phép mở văn phòng xúc tiến du lịch tại một số nước trọng điểm khách đến Việt Nam như Anh, Australia... và do những người có năng lực chuyên môn du lịch triển khai để đạt hiệu quả, trước mắt khối tư nhân đảm bảo kinh phí hoạt động tự chủ trong 4 năm.
Thứ năm, nâng cấp hạ tầng hàng không Việt Nam, cấp phép thêm các hãng hàng không mới, cải cách quy trình thủ tục xin chủ trương đầu tư hạ tầng hàng không, mở rộng mô hình sân bay Vân Đồn.
Thứ sáu, khối tư nhân xây dựng chương trình hành động quốc gia về thu hút khách từ những thị trường trọng điểm có khả năng chi trả cao, kinh phí triển khai sẽ do khối tư nhân đảm nhiệm.
Thứ bảy, vấn đề cải thiện môi trường du lịch và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch cần được cải thiện.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cho các địa phương, trong đó vận dụng tại tỉnh Phú Thọ, cụ thể cần tập trung một số nhiệm vụ:
Một là, tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư dịch vụ du lịch phù hợp đa dạng nhu cầu các phân khúc thị trường khách du lịch; cải thiện môi trường du lịch, phát triển du lịch xanh và bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch.
Hai là, đầu tư và thu hút doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc dựa vào tài nguyên, di sản văn hóa và nguồn lực cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm du lịch và vùng lân cận, phát triển du lịch theo chiều sâu và bền vững.
Ba là, khuyến khích phát triển nhiều dịch vụ có thu để khai thác nguồn khách đã đến tỉnh Phú Thọ, giúp tăng trưởng nhanh và bền vững cho ngành Du lịch như: phố ẩm thực - du lịch về đêm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc vùng đất Tổ, trung tâm giới thiệu sản phẩm - quà tặng Du lịch Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Vườn quốc gia Xuân Sơn; xây dựng sản phẩm thương mại mang thương hiệu của tỉnh Phú Thọ hấp dẫn khách du lịch...
Bốn là, xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công - tư trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Các trường đào tạo chuyên ngành Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, liên kết hợp tác với khối doanh nghiệp tư nhân trong đào tạo nghề du lịch đáp ứng nhu cầu xã hội như: Quản trị du lịch lữ hành, Hướng dẫn viên, Đầu bếp, Nghiệp vụ lễ tân, buồng - bàn - bar...
Năm là, thu hút và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hội nghị hội thảo cấp vùng tại thành phố Việt Trì, triển khai đều các tháng trong năm; tổ chức sự kiện tuần văn hóa du lịch Thanh Thủy dịp cuối năm... nhằm kích cầu du lịch, tạo không khí, động lực và huy động nhiều nguồn lực phát triển du lịch.
Sáu là, xây dựng nhà trưng bày, tư vấn thông tin du lịch tại Trung tâm thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và du khách dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin du lịch; là nơi trưng bày sản phẩm, quảng bá Du lịch Phú Thọ trực quan, đón khách du lịch tại thành phố Việt Trì và đền Hùng.
Bảy là, thường xuyên tổ chức các cuộc thi chuyên môn nghề du lịch cấp tỉnh như: Đầu bếp giỏi, Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, Lễ tân, Nghiệp vụ buồng... nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh người lao động, tạo chuyển biến nhận thức xã hội, thu hút tăng cường lực lượng lao động trong ngành dịch vụ du lịch.
ThS. Phùng Thị Hoa Lê