Nhiều yếu tố thuận lợi để hút khách Nhật
Mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trải qua hơn 43 năm đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt lĩnh vực du lịch giữa hai nước đã gặt được những “trái ngọt” đáng kể. Trong năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đón gần 672 ngàn lượt khách Nhật Bản và đưa khoảng 230 ngàn lượt khách Việt Nam sang du lịch xứ sở hoa Anh Đào. Theo thống kê, trong năm 2015, Nhật Bản nằm trong Top 3 quốc gia đưa khách đến Việt Nam nhiều nhất (Nhật Bản xếp thứ 3, sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, dù mối quan hệ hợp tác du lịch giữa hai quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đặc biệt, thủ đô Hà Nội - một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thu hút du khách Nhật Bản, song tiềm năng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
So với các nước khác trong khối ASEAN, Hà Nội rất gần với Nhật Bản, bay thẳng chỉ mất khoảng 4 giờ. Hà Nội cũng chính là cửa ngõ kết nối du khách Nhật Bản với các tỉnh phía Bắc Việt Nam nói riêng, các quốc gia ASEAN nói chung. Bên cạnh đó, Hà Nội và Nhật Bản đều có 4 mùa, chỉ khác là mùa hè của Hà Nội nóng hơn Nhật Bản, còn mùa đông Hà Nội không lạnh bằng Nhật Bản. Môi trường sống như vậy là khá thích hợp với khí hậu người Nhật đã quen sinh hoạt. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để hút khách đến từ xứ sở hoa Anh Đào.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Ando Kengo, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, phố cổ Hà Nội với 36 phố phường có lịch sử hàng ngàn năm với những con ngõ nhỏ quanh co với những cửa hàng, quán ăn ngon… là không gian đặc biệt không dễ tìm thấy ở quốc gia khác trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn thế giới như hiện nay.
Ông Ando Kengo cũng đánh giá cao tình hình an ninh của thủ đô Hà Nội. Ông cho biết, sau 2 năm sinh sống tại Hà Nội, ông chưa bao giờ gặp vấn đề nào về an ninh, thậm chí ông còn có ấn tượng rất tốt về cách hành xử văn minh của người Hà Nội. Đặc biệt, vị chuyên gia du lịch Nhật Bản này còn rất thích thú với những món ăn truyền thống của Hà Nội, đặc biệt là Phở. “Phở Hà Nội rất tuyệt vời, đến mức hầu như ngày nào tôi cũng ăn món này. Tôi có cảm giác người Hà Nội rất khéo tay bởi món Nhật tại đây không hề thua kém so với đồ ăn chế biến tại Nhật, mà giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá ở Nhật”- ông Ando Kengo chia sẻ.
Mời chuyên gia Nhật Bản làm cố vấn cho du lịch Hà Nội?
Đây là gợi ý của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khi bàn về giải pháp thu hút khách Nhật bản đến với Hà Nội. Ông Lộc đánh giá, sắp tới sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Nhật Bản vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Để đón đầu cơ hội này, Việt Nam cần đổi mạnh thể chế để trở thành một môi trường kinh doanh hấp dẫn trở thành nơi đầu tư hàng đầu của Nhật Bản trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI cũng tư vấn Hà Nội mời những chuyên gia du lịch hoặc những người đứng đầu ngành du lịch Nhật Bản như ông Ando Kengo làm cố vấn cho phát triển kinh tế du lịch cho Hà Nội. “Ông Ando Kengo rất yêu mến và am hiểu Hà Nội, cũng như tường tận sở thích của du khách Nhật Bản, nếu ông làm cố vấn cho du lịch Hà Nội, chắc chắn việc hút khách Nhật Bản đến Thủ đô của Việt Nam sẽ có những bước phát triển đáng kể” - ông Lộc tư vấn.
Về vấn đề này, vị lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Ando Kengo cho rằng, để thu hút ngày càng đông doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thì cần đổi mới các quy định về thủ tục nhập cảnh, giấy phép kinh doanh, thuế để giảm bớt phiền toái cho doanh nghiệp. Đồng thời, Hà Nội cũng cần chủ động xúc tiến, quảng bá đầu tư, du lịch để người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản biết đến nhiều hơn.
Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt Cục Du lịch, nguyên Cục trưởng Cục Du lịch Nhật Bản Shigeto Kubo lại đề xuất 3 giải pháp để góp phần tăng lượng khách Nhật Bản đến Hà Nội. “Thứ nhất, tạo ra mạng lưới du lịch gắn kết cả nước, trong đó Hà Nội là trung tâm. Thứ hai, phải có sự hợp tác giữa Hà Nội và các khu vực xung quanh, trong đó Hà Nội là hạt nhân. Thứ ba, du lịch phải có sự giao lưu hai chiều. Muốn du lịch hai chiều phát triển thì hệ thống giao thông, đặc biệt là đường hàng không, và cơ sở hạ tầng phải đồng bộ, phát triển. Chúng ta đã có một số đường bay thẳng, nhưng, đó là chưa đủ, tới đây, chúng ta cần mở thêm nhiều đường bay nữa để phục vụ du khách”- ông Shigeto nhận định.
Được biết, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã cam kết Hà Nội sẽ tiếp tục hoạch định chính sách để đầu tư xây dựng một Thủ đô văn minh, xanh, sạch đẹp; nỗ lực thực hiện các giải pháp để xây dựng môi trường kinh doanh du lịch hấp dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Hà Nội.
Việt Nam và Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu đưa 1 triệu khách Nhật đến Việt Nam và 200 ngàn khách Việt Nam sang du lịch xứ sở hoa Anh Đào. Sẽ còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đó, tuy nhiên hy vọng rằng, sự nỗ lực đổi mới của ngành du lịch Hà Nội để đi đầu trong việc thu hút khách Nhật, sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu trên sớm thành hiện thực./.
Nguồn: toquoc.vn