“Lễ cầu mùa, cầu mưa” của dân tộc Dao huyện Bắc Mê là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, tỉnh Hà Giang có 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó 31 di tích, danh thắng được xếp hạng quốc gia, 30 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh. Huyện Bắc Mê có 3 di tích được xếp hạng quốc gia, đó là di tích lịch sử Căng Bắc Mê, di tích khảo cổ học Hang Đán Cúm, Hang Nà Chào. Về loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Di sản Văn hóa phi vật thể “Lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao huyện Bắc Mê” mới được công nhận đầu năm 2022. Đây là cơ sở mở ra cho tỉnh Hà Giang cũng như huyện Bắc Mê hướng đi mới trong việc thu hút phát triển du lịch, vươn lên giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đề nghị: “Huyện Bắc Mê cần tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn làm tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chính quyền huyện cần chủ động phối hợp cùng với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn để khai thác trong phát triển tour, tuyến du lịch tại địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. Cùng với đó, tiếp tục điều tra, khảo sát, sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc; tập trung nâng cao chất lượng các chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian, các chương trình tổ chức lễ hội truyền thống trong cộng đồng…”.
Được biết, Bắc Mê là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt, giao thông không thuận tiện; thời tiết khí hậu khắc nghiệt, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Cũng chính từ những khó khăn đó đã sản sinh ra những nét văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú, được người dân nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong suốt quá trình phát triển của cộng đồng. Các giá trị văn hóa đó đã phản ánh rõ nét quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên để mưu sinh, tồn tại và phát triển của cộng đồng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần làm phong phú thêm những sắc màu của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuấn Hải