Anh Vũ Xuân Hợi – “tân chủ nhân” của 5 hòn đảo trên lòng hồ Khuôn Thần dẫn chúng tôi đi qua con đường mới được phát quang men theo triền đồi để vào khu vực tạm gọi là “bến thuyền”. Anh Hợi bảo, hồ Khuôn Thần rộng là thế, nhưng không phải chỗ nào cũng có thể neo đậu thuyền, phải tìm chỗ có độ sâu vừa phải, không quá nông khiến thuyền dễ mắc cạn, cũng không quá sâu tới mức nguy hiểm khi lên xuống thuyền. Hòn đảo gần nhất cách bến khoảng gần một cây số mọc lên sừng sững án ngữ mọi tầm nhìn, muốn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của hồ buộc phải đi qua đảo này để vào phía bên trong.
Anh Long chèo thuyền là dân bản địa (xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Địa hình toàn bộ khu vực hồ Khuôn Thần và rừng núi xung quanh anh thuộc như trong lòng bàn tay. Anh kể, khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ 20, trước nhu cầu về nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng đồi núi Lục Ngạn và khu vực lân cận, một dự án ngăn dòng chảy từ trên núi xuống đã được tiến hành. Dựa vào địa hình các dãy núi nối tiếp nhau, một con đập đã được hoàn thành để chặn nước ở vùng trũng phía dưới chân núi (được gọi là đập Khuôn Thần). Nơi trữ nước dần dần trở thành hồ Khuôn Thần ngày nay.
Diện tích hồ rộng khoảng 240 ha, được bao bọc bởi khu rừng rộng lớn (gồm rừng tự nhiên, rừng tái sinh, sản xuất), liền kề là những đồi vải thiều tạo nên không gian xanh mướt. Mặt hồ trong vắt phản chiếu khoảng trời khoáng đạt, gió núi mây ngàn lãng đãng giữa ngút ngàn thông reo. Trời mây non nước giao hòa khiến khung cảnh nơi đây tựa cõi bồng lai nơi hạ giới. Nổi bật giữa không gian, cảnh vật thần tiên đó là những hòn đảo như những chiếc bát màu xanh khổng lồ được bàn tay thần kỳ của tạo hóa đem đến đặt trên lòng hồ. Đâu đó, tiếng mái chèo khua nước nhè nhẹ, tít phía xa là những làn khói lam chiều mờ ảo mỏng manh như sương khói, huyền ảo, thơ mộng như miền cổ tích. Càng đi sâu vào phía trong hồ, khung cảnh càng nên thơ, quyến rũ một cách lạ kỳ.
Lên tới đỉnh đập, có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh sự bao la hùng vỹ của núi rừng. Thú vị và sinh động hơn nữa là cảnh nước đổ từ đỉnh đập Khuôn Thần xuống thung lũng ven hồ.
Đắm say trong khung cảnh thần tiên ảo diệu ấy quả là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Điều làm nên khác biệt của Khuôn Thần là sự hoang sơ, chưa hề có tác động của con người đến thiên nhiên.
Sau một hồi du ngoạn trên thuyền, du khách có thể ghé vào nghỉ ngơi trên các hòn đảo xinh xắn, thưởng thức hoa thơm trái ngọt và ẩm thực đậm đà bản sắc địa phương. Ai đã từng thưởng thức món cá nướng, gà nướng, dê quay trên bếp than của đồng bào dân tộc nơi đây thì chắc chắn không thể nào quên được hương vị thơm ngon đậm đà quyến rũ hòa quyện với các loại gia vị chế biến từ thảo quả được lấy ngay trên đảo.
Mong muốn đưa một số dịch vụ phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá Khuôn Thần đang là trăn trở của “chúa đảo” Vũ Xuân Hợi. Phát triển như thế nào để đảm bảo hài hòa, giữ được không gian tĩnh lặng, bình yên của những hàng thông vi vu trong gió mát mà vẫn đáp ứng được các nhu cầu về lưu trú, vui chơi giải trí, thư giãn… là điều phải tính toán, cân nhắc. Đó là khuyến cáo của các đơn vị lữ hành nhiều năm chuyên đón khách inbound trải nghiệm những vùng núi hoang sơ hẻo lánh của Việt Nam đưa ra sau chuyến khảo sát.
Theo ông Đặng Thái Tân, Tổng giám đốc công ty du lịch Á Châu, vấn đề số 1đặt ra là cần tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên của rừng và hồ. Nếu phát triển cơ sở lưu trú cũng đặc biệt ưu tiên sử dụng các chất liệu như tranh tre, gỗ, nứa, lá… để tạo sự gần gũi hòa cùng thiên nhiên, tuyệt đối tránh bê tông hóa. Đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra sự thân thiện hiếu khách của cộng đồng dân cư và những vườn trái cây ngút ngàn cũng sẽ là điểm hấp dẫn đối với khách du lịch cuối tuần và du lịch nghỉ dưỡng…
Ghi nhận những chia sẻ chân tình của các đơn vị lữ hành, anh Hợi cho hay, du lịch sinh thái, nông nghiệp là hướng đi ưu tiên, do vừa tận dụng được lợi thế về khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng, mức độ đầu tư không quá cao. “Trước mắt sẽ phát triển vườn cây ăn trái trên các đảo để làm sao có “mùa nào quả nấy” phục vụ du khách tham quan, các dịch vụ khác sẽ từng bước đầu tư, trên cơ sở tư vấn của các doanh nghiệp, chuyên gia…”, anh Hợi nói.
Viễn Nguyệt