Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ITE HCMC 2022 chính thức quay trở lại với chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên”; diễn ra từ 8-10/9, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Hội chợ ITE lần này được kỳ vọng là cơ hội bứt phá, tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam; đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các người mua cũng như khách quốc tế. Hội chợ sẽ quy tụ hơn 1.500 đại biểu từ các cơ quan quản lý, công ty lữ hành, các hãng hàng không, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cùng các thương hiệu, điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí trong nước và quốc tế.
Báo cáo với Bộ trưởng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các công tác chuẩn bị, mời tham dự và tổ chức Hội chợ theo đúng kế hoạch dự kiến. Khách mời trong nước, sẽ có sự tham dự của Sở quản lý du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch của 41 tỉnh, thành. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 đoàn quốc tế đăng ký tham dự: đoàn Bộ Du lịch Campuchia, đoàn TP. Phnom Penh, đoàn Thủ đô Viêng Chăn và đoàn Bộ Du lịch Cuba. Hội chợ cũng nhận được sự quan tâm của 20 đơn vị báo chí quốc tế; ghi nhận 260 gian hàng đăng ký tham gia, gồm 210 gian hàng đơn vị trong nước và 50 gian hàng đơn vị quốc tế; quy tụ hơn 160 người mua quốc tế đến từ 18 quốc gia tới tham dự.
Hội chợ ITE HCMC gồm nhiều hoạt động chính như: Đêm Việt Nam - Gala Dinner “Tinh hoa Gạo Việt”; Lễ trao giải “Giải thưởng Du lịch thế giới”; Diễn đàn “Du lịch MICE Việt Nam”, Diễn đàn “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế linh hoạt, xanh, bền vững”; chương trình gặp mặt Tổng Biên tập các cơ quan báo chí bàn về công tác truyền thông VHTTDL trong thời gian tới; chuỗi các hội thảo/hội nghị chuyên ngành bên lề; họp các Thành phố thành viên mạng lưới các thành phố du lịch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Hội chợ còn có sự góp mặt của những người đẹp du lịch từ các nước tiểu vùng sông Mekong như Miss Grand Thái Lan Coco Arayha Suparurk và Miss Grand Việt Nam Nguyễn Thúc Thùy Tiên; trong đó, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên là Đại sứ truyền thông cho Hội chợ.
Phát biểu tại buổi họp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ITE HCMC là Hội chợ du lịch diễn ra hàng năm; cùng với Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội là một trong 2 hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đại diện Bộ Du lịch, Cơ quan du lịch quốc gia các nước chưa xác nhận tham dự là do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. “Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC 2022 vừa diễn ra tại Thái Lan, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trong bài phát biểu của mình cũng đã gửi lời mời tham dự ITE HCMC 2022 đến đại biểu các nước, đồng thời gửi thư mời tham dự. Tuy nhiên, đại biểu các nước chưa xác nhận tham dự và cho biết sẽ cân nhắc thêm” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết, sẽ mời đại diện cơ quan du lịch quốc gia các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Malaysia, Singapore đang có văn phòng đại diện ở Việt Nam; mời đại diện Tổ chức Du lịch thế giới, Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương; mời thêm các người mua quốc tế, đại diện báo chí CNN, BBC, AFP, AP, NHK và các cơ quan báo chí lớn của ASEAN tham gia Hội chợ nhằmthúc đẩy việc khôi phục, phát triển du lịch quốc tế.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao sự chủ động của TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tổ chức Hội chợ. Thứ trưởng cho rằng, ở một số sự kiện có sự tham gia của Bộ trưởng, cơ quan du lịch quốc gia các nước, cần tích cực phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL và UBND TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo sự đón tiếp các vị khách quốc tế trang trọng, chu đáo. Đối với Lễ trao giải “Giải thưởng Du lịch thế giới”, đề nghị giao cho TCDL và Cục Hợp tác quốc tế của Bộ kết nối để có thông tin cần thiết; xác định quy mô, cùng với TP. Hồ Chí Minh đăng cai, đón tiếp đại biểu, tổ chức sự kiện cho đúng tầm, đạt được hiệu quả về truyền thông điểm đến Việt Nam thông qua sự kiện này. “Khách mời trong nước cũng cần có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý du lịch, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch, các diễn giả nổi bật, tiêu biểu trong ngành Du lịch. Nội dung của các sự kiện cũng cần chú trọng để làm rõ được các sản phẩm, chính sách, chương trình hợp tác để phát triển sản phẩm du lịch MICE và phục hồi, phát triển du lịch trên toàn quốc” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, Hội chợ lần này là giải pháp căn cơ thể hiện sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, điểm đến vào các sự kiện nhằm phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19. Bộ trưởng cho rằng, Hội chợ khi tổ chức phải thể hiện được sự phục hồi của các doanh nghiệp, có sự tham gia đông đúc của người bán, người mua trong nước và quốc tế; thu hút sự tham dự của cơ quan truyền thông quốc tế và trong nước. Điểm nhấn của Hội chợ là Đêm Việt Nam - Gala Dinner “Tinh hoa Gạo Việt”, vì thế phải thể hiện được những giá trị đặc sắc, sản phẩm độc đáo của nền văn minh lúa nước. Các Diễn đàn trong Hội chợ phải thể hiện được những sản phẩm của du lịch Việt Nam giai đoạn tới là gì, các giải pháp cụ thể nào để du lịch phục hồi và phát triển xanh, bền vững.
Bộ trưởng đồng thời đánh giá cao vai trò chủ động của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và công tác phối hợp của các đơn vị trực thuộc Bộ trong quá trình chuẩn bị tổ chức Hội chợ. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm của du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung trong thu hút khách quốc tế và phục hồi toàn diện ngành Du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
“Từ nay đến khi diễn ra Hội chợ thời gian không còn nhiều, các đơn vị cần tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị để tổ chức thành công Hội chợ. Đối với các sự kiện chính, có sự tham gia của khách mời quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành, đại biểu du lịch quốc tế... cần xây dựng chương trình, kịch bản chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo đón tiếp chu đáo, trang trọng. Các giải pháp đưa ra phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch Việt Nam hiệu quả, linh hoạt, xanh, bền vững. Sản phẩm du lịch phải thể hiện rõ sự gắn kết giữa du lịch và văn hóa; du lịch phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh và giá trị văn hóa Việt Nam. Trong các sự kiện, cần xác định rõ quy mô, lượng khách mời, tầm ảnh hưởng của sự kiện... để có sự chuẩn bị tổ chức tương xứng” – Bộ trưởng chỉ đạo.
Đình Phong