Tham gia đoàn còn có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh; đại diện Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL; cùng các Vụ Lữ hành, Khách sạn, Hợp tác quốc tế của TCDL.
Hội nghị với sự tham dự của các Bộ trưởng, quan chức du lịch cấp cao từ 21 nền kinh tế APEC và các tổ chức du lịch quốc tế quan sát viên. Hội nghị họp với chủ đề “Mở - Kết nối - Cân bằng”; ưu tiên thảo luận tập trung các nội dung “chuyển đổi số trong du lịch”, “phát triển nguồn nhân lực”, “tạo thuận lợi đi lại và nâng cao năng lực cạnh tranh”, “du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế”. Hội nghị cũng trao đổi về các biện pháp đã được các nền kinh tế APEC triển khai để thúc đẩy phục hồi du lịch hậu COVID-19; sự phối hợp giữa các nền kinh tế APEC trong khôi phục du lịch; phát huy vai trò động lực của du lịch và triển khai Tầm nhìn Putrajia 2040, bao gồm việc triển khai Kế hoạch hành động Aotearoa.
Hội nghị đánh giá đại dịch COVID-19 và những thách thức kinh tế hiện tại đã đặt ra nhiều trở ngại cho sự phục hồi du lịch của khu vực, giảm lượng khách du lịch từ các thị trường xa, giảm chi tiêu cho du lịch. Đồng thời, thống nhất thúc đẩy du lịch an toàn, nỗ lực để đảm bảo rằng các điểm du lịch, cơ sở vật chất, sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ ngày càng dễ tiếp cận hơn với mọi người, trong đó có thị trường APEC. Dự báo trong 10 năm tới (2022-2032), ngành du lịch và lữ hành toàn cầu sẽ tạo ra thêm 126 triệu việc làm mới và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 5,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo là 2,7%; trong đó, khu vực APEC được dự báo tạo ra 59 triệu việc làm mới và tăng trưởng 6,6%. “Đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau” là giải pháp chiến lược quan trọng hướng đến sự phục hồi du lịch nhanh chóng. Hội nghị cũng xác định, Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và phụ nữ là lực lượng lao động chiếm số đông. Do đó, cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các chính sách du lịch. Bên cạnh đó, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh thái độc đáo; tôn trọng sự phong phú, đa dạng về văn hoá, kiến thức của các cộng đồng địa phương; trao quyền cho cộng đồng địa phương để nắm bắt các cơ hội kinh tế mà du lịch mang lại.
Hội nghị đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh của cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng nâng cao kĩ năng và năng lực kinh doanh du lịch; đề cao phát triển du lịch “tại điểm”, du lịch sáng tạo; khuyến khích các nền kinh tế thành viên hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác về du lịch bền vững, tăng cường số hoá và đầu tư du lịch. Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua “Khuyến nghị chính sách về du lịch trong tương lai” và “Hướng dẫn cập nhật của APEC dành cho các chủ thể tham gia vào kinh doanh du lịch” đã phản ánh tâm huyết của tất cả các nền kinh tế APEC trong việc theo đuổi tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. Hội nghị cũng thống nhất Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Peru vào năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã chia sẻ thông tin Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15/3/2022. Thứ trưởng đồng thời thông báo Việt Nam khôi phục chính sách thị thực (miễn thị thực đơn phương, song phương, thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu) và chính sách nhập xuất cảnh Việt Nam với khách quốc tế như trước đại dịch COVID-19. Ngành Du lịch cũng đã định hướng cho doanh nghiệp đổi mới sản phẩm du lịch, linh hoạt trong xúc tiến quảng bá, thực hiện chiến dịch xúc tiến “Live fully in Vietnam” hướng tới khách du lịch nước ngoài; tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong du lịch, xác định chuyển đổi số là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số và phát triển du lịch thông minh, du lịch “không chạm”, “liền mạch” tại ViệtNam. Bên cạnh đó cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch kéo dài đến hết năm 2023; hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực du lịch… Những định hướng, chính sách đã đưa đến kết quả tích cực, trong 7 tháng năm 2022, Du lịch Việt Nam đã đón gần 750.000 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ kịp thời, chính xác các quy định mới về xuất nhập cảnh cũng như quản lý khách an toàn; tăng cường khuyến khích các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có chính sách linh hoạt cho khách sử dụng dịch vụ; hỗ trợ lẫn nhau quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế và khuyến khích công dân đi lại quốc tế tới các nền kinh tế đã mở cửa biên giới cho hoạt động du lịch.
Trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn du lịch APEC đã nghe báo cáo về tác động của COVID-19 và phục hồi du lịch, tối đa sử dụng số hoá trong phục hồi du lịch, hàng không và quảng bá du lịch. Theo đó, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại; không yêu cầu chứng nhận COVID-19, xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Khuyến nghị được đưa ra là ủng hộ phát triển và ứng dụng hộ chiếu vắc xin điện tử; tăng cường truyền thông về các yêu cầu nhập cảnh; xác định cơ chế giải quyết các rủi ro của khu vực có thể xảy ra do đại dịch COVID-19; khởi động lại xúc tiến du lịch trực tiếp và xây dựng lòng tin cho du khách về du lịch an toàn; xây dựng nhận thức chung trong APEC về nhu cầu số hoá quá trình xử lý thông tin hành khách; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ về số hoá; dỡ bỏ các hàng rào và hạn chế áp dụng với đi lại của hành khách nhằm phục hồi du lịch.
|
Đình Phong