Dự án do kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sỹ Nguyễn Đức Phương và đơn vị thi công Phùng Công Minh thực hiện, lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông. Lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.
Triển lãm pavilion gồm hệ sắp đặt âm thanh với không gian tháp nước Hàng Đậu, tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức trong bản thể. Từ đó, kết nối con người với môi trường sống. Trải nghiệm qua từng lớp không gian trong tháp, nhóm thiết kế muốn đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên.
Hệ sắp đặt ánh sáng của pavilion mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, được tái chế bởi rác thải đô thị, như một cách nhấn mạnh để chúng ta thấy rõ hơn về sự tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Hai chiều tương phản âm thanh đưa ta về bản thể tính nguyên sơ, ánh sáng cho ta sự nhận biết mọi thứ xung quanh ta. Qua đó, các tác giả muốn truyền tải tới công chúng vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Đây cũng là cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp bên trong của công trình kiến trúc này.
Tháp nước Hàng Đậu nằm tại ngã 6 giao giữa các con phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội). Công trình này do người Pháp xây dựng vào năm 1894, phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ tại Hà Nội, song song với việc xây dựng Nhà máy nước Yên Phụ.
Tháp nước Hàng Đậu có hình trụ tròn, đường kính 19m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, nằm trên đỉnh 8 bức tường đá.
Tháp nước Hàng Đậu hiện là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội. Tháp cơ bản vẫn giữ được hiện trạng như ban đầu, duy có 17 cửa sổ ở phía dưới tầng 1 đã được bịt kín. Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống bốt Hàng Đậu với những chiếc van bằng sắt vẫn nguyên vẹn, phủ đầy bụi.
Với Triển lãm pavilion Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhóm thiết kế dự án mong muốn cải tạo Tháp nước Hàng Đậu thành một không gian nghệ thuật, đánh thức các di sản, hòa nhịp cùng dòng chảy đô thị mới.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, việc tổ chức khánh thành và phục vụ du khách và nhân dân tham quan Triển lãm “Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu”, Triển lãm Điêu khắc Mỹ thuật, Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa quận Ba Đình” góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của thành phố Hà Nội nói chung và quận Ba Đình nói riêng; đồng thời khẳng định tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo trên nhiều lĩnh vực.
Sự kiện nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của du lịch trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội trên lĩnh vực nghệ thuật thiết kế, qua đó phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn các quận Ba Đình với các quận, huyện, thị xã theo trục hai bên bờ sông Hồng trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 do UBND TP. Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; tổ chức bởi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị.
|
Thao Lan