Tham dự buổi lễ có các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc Hội, Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Ủy viên Bộ chính trị - Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ chính trị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam-Phó thủ tướng Chính phủ, Uông Chu Lưu-Phó chủ tịch Quốc Hội, Vương Đình Huệ-Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phan Đình Trạc - Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Thế Trung - Phó ban Thường trực Ban dân vận Trung ương, Hồ Mậu Ngoạt - Trợ lý Tổng Bí thư, Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Phan Xuân Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, Thuận Hữu -Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Trần Cẩm Tú - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trần Hồng Hà - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; các đồng chí Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương đảng - Bộ trưởng Bộ TTTT, Võ Hồng Phúc - nguyên Ủy viên Trung ương đảng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đại biểu quốc tế có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Park Nark Gong-tham tán văn hóa kiêm Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Khăm Sỉ Nuôn Thong-Ủy viên BTV Tỉnh Ủy - Phó trưởng Tỉnh Xiêng Khoảng, Khăm Sỉ Út Thi Vông-Trưởng Ban tổ chức Tỉnh Khăm Muộn, bà Bu Nhông-Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó tỉnh trưởng Tỉnh Boly Khămxay, ông Phu Văn Phết My Say -Phó Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo các tỉnh: Bắc Ninh, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bắc Giang, Bình Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Hồ Đức Phước - Bí thư Tỉnh ủy, Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện thành thị.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Võ Kim Cự-Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Thành Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện thành thị của tỉnh Hà Tĩnh. Các CLB dân ca 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, khi trèo non, lội suối. Vì vậy, các điệu hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, giặm ru, giặm kể, giặm vè…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp. Điều này cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, đồng thời giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.
Phát biểu tại lễ nhận bằng và vinh danh, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà của cả nước. Từ đây dân ca Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện của nhân loại và được các thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao. UNESCO mong muốn chính quyền và người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca ví, giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.
Ngày 31/1, UNESCO chính thức trao bằng công nhân Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, xứ Nghệ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, hiếu học. Người dân lao động xứ Nghệ đã sáng tác, trao truyền nên những làn điệu dân ca Ví, Giặm đặc sắc, góp phần hun đúc nên cốt cách, tinh thần con người xứ Nghệ, điển hình cho con người Việt Nam.
Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cảm ơn sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, của các cơ quan, ban ngành trung ương. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm để nâng tầm những giá trị văn hóa dân tộc, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể điển hình của nhân loại.
Sau phần lễ trao bằng công nhận, chương trình vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với chủ đề "Về miền ví giặm" với những tiết mục dân ca đặc sắc và sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu cùng các câu lạc bộ, nghệ nhân dân gian ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.
Nguồn: baonghean.vn