TỪ TOULOUSE ĐẾN ILE DE FRANCE
Những công dân của thành phố Toulouse mà tôi có dịp trò chuyện, đều tự hào và trìu mến gọi thành phố của mình là trái tim của miền Nam nước Pháp. Thành phố nhỏ, thanh bình nằm bên dòng Carone xinh đẹp được đào từ thế kỷ 17 nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, với số dân 450.000 người, là thành phố đại học và là một trung tâm văn hóa, là nơi sản xuất Airbus lớn nhất của cộng đồng châu Âu. Với Toulouse, Hà Nội đã có hàng chục năm hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, bảo tồn phố cổ và ngôi nhà 38 Mã Mây, 38 Hàng Đào chính là một trong những sản phẩm của sự hợp tác ấy.
Những lần đến Toulouse tôi đều tranh thủ thả bộ dọc theo các hàng cây tùng rất đẹp bên bờ Carone, ngắm nhìn một cách thích thú những quán cafe nhỏ, gọn mà xinh ngay trên hè phố với những vị khách ngồi nhàn nhã, mơ màng bên những tách cafe đang bốc khói hoặc những ly kem mát lạnh. Nhiều phố ở đây nhỏ và hẹp hơn khu phố cổ ở Hà Nội, dân vẫn cứ kinh doanh, ô tô, xe máy vẫn chạy nhưng mọi thứ đều trật tự, ngăn nắp, gọn gàng. Tôi cũng đôi lần bắt gặp những du thuyền loại nhỏ mang quốc kỳ các nước thuộc EU đang neo đậu hoặc di chuyển trên dòng Carone. Đó là những gia đình đi du lịch trong dịp hè. Có lẽ họ chọn phố cổ Toulouse vì nơi này giúp cho tâm hồn được thanh thản hơn?
Ở Toulouse, đâu đâu cũng thấy dấu ấn của lịch sử bởi ý thức bảo tồn di sản đã trở thành một nếp sinh hoạt quen thuộc của mọi người. Cây cầu được xây từ thế kỷ 17 vẫn lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Khách sạn nơi chúng tôi ở thuộc công ty hàng không nên ở sảnh lớn treo ảnh chân dung của ba phi công tiêu biểu nhất của Hàng không Pháp, trong đó có Antoane Exuperi, đã từng ở khách sạn này. Trên tầng 4 khách sạn có căn phòng nhà văn của “Chuyến bay đêm” và “Hoàng tử bé” từng sống, nghe nói vẫn giữ nguyên cách bài trí như ngày ông ở. Hơn một lần tôi đã tần ngần trước khuôn viên bảo tàng Toulouse đẹp, đầy vẻ cổ kính và mơ màng bên cạnh đập tràn Carone, nơi bụi nước bay như khói và từng đàn hải âu vừa lượn lờ rình bắt những con cá cao hứng nhảy lên khỏi mặt nước rất ngoạn mục, đầu óc cố hình dung về cái lò mổ khi xưa nhưng không có cách nào tưởng tượng nổi. Phố bên cạnh vẫn mang tên Rue Batoi (Lò mổ). Các phòng trưng bày rất hiện đại, được trang bị các thiết bị chuyên dùng hiện đại nhất nhưng toà nhà chính, sân vườn, cảnh quan, cái ống khói của lò mổ xây bằng gạch đỏ vẫn giữ nguyên vẻ ban đầu. Có một câu chuyện về xây căn phòng cho bức tranh nổi tiếng nhất bảo tàng gợi cho tôi nhiều suy ngẫm về cách làm của bạn. Bức tranh quý nhưng khuôn khổ quá lớn (cao đến 16m). Hội đồng quản hạt và nhân dân Toulouse kiến nghị Thị trưởng phải tìm ra giải pháp để bức tranh ở lại quê nhà. Cuối cùng, người ta nghĩ ra cách đào sâu xuống lòng đất hơn 6m nữa, đổ một bức tường bê tông và xử lý chống thấm từ sông Carone, dỡ bỏ trần của căn phòng để tìm chỗ đặt bức tranh nổi tiếng này. Đến nay, khách tham quan đến đây vẫn được nghe hướng dẫn viên kể về việc tìm chỗ cho bức tranh với vẻ tự hào không giấu diếm.
Ở cuộc hội thảo về xúc tiến đầu tư giữa các nhà doanh nghiệp Việt Nam và Pháp tại vùng Ile de France có một trưng bày các bưu ảnh về một Hà Nội xưa của một người Pháp rất yêu Việt Nam, yêu Hà Nội là anh Chaplin. Anh có hàng ngàn bưu ảnh, trong đó có những bưu ảnh rất có giá trị về mặt tư liệu lịch sử. Tôi đặc biệt thú vị khi nhìn hình ảnh cây cầu Thê Húc và cổng vào đền Ngọc Sơn xưa. Việc làm của Chaplin quý ở chỗ nó góp thêm một tiếng nói, dù nhỏ nhưng cần thiết, đầy sức thuyết phục, nhắn nhủ là con người đừng lãng quên điều gì, vì có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng một khi đã trở thành kỷ niệm, thành một phần của cuộc đời, nó không chỉ của một cá nhân mà của một cộng đồng, một dân tộc.
VÀ EM ƠI, BA LAN...
Chúng tôi đến Ba Lan không phải mùa tuyết mà đúng lúc hoa lá, cỏ cây, con người đang ngập tràn sức sống. Có người đọc khe khẽ bài “Em ơi, Ba Lan...” của Tố Hữu như để làm cho cuộc đi thêm thi vị. Với tôi, lúc máy bay hạ thấp độ cao, tôi tưởng Warsaw như lọt vào giữa một khu rừng. Bạt ngàn cây xanh, ngập tràn hoa lá. Những đường phố giống như những đường mòn giữa các cánh rừng. Warsaw có rất nhiều công viên và cây xanh. Đất đai phì nhiêu nên dù đồng bằng chiếm đến khoảng 80% diện tích thì những vạt rừng sồi, phong tươi tốt như có bàn tay người chăm bón vẫn gây cho tôi cảm giác Ba Lan còn rất nhiều rừng. Đất nước mộ đạo này có rất nhiều nhà thờ, chỉ đứng ở thành cổ đưa tầm mắt ra xung quanh cứ thấy nhấp nhô, tầng tầng lớp lớp các kiểu gác chuông nhà thờ to nhỏ, màu sắc, kiểu cách khác nhau. Đi trên những con phố nhỏ lát bằng những viên đá xẻ nhỏ cỡ lòng bàn tay, nhìn những ngôi nhà cổ và những nhà thờ xây theo kiểu Gôtic, tôi không thể tin rằng chúng được xây dựng lại toàn bộ từ sau 1945. Hitle đã gần như tiêu hủy cả Warsaw, sau 1945 Ba Lan đã dựng lại thủ đô của mình theo tinh thần phục dựng các công trình bị tàn phá và đến hôm nay chúng tôi mới có dịp ngắm nhìn để tưởng chừng như Warsaw cổ vẫn tồn tại. Kinh nghiệm bảo tồn và phục dựng các công trình của Ba Lan xứng đáng được thế giới kính nể. Những thảm cỏ xanh dịu dàng. Những phòng ngủ im lìm. Những cánh cửa gỗ sồi đỏ au màu gỗ thời gian. Những luống hoa hồng tỉ muội to đẹp đang độ cuối mùa. Đài phun nước lặng lẽ dâng những tiếng rì rào như suối chảy càng làm cho không khí nơi này như thực, như mơ. Tất cả những “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” xen lẫn với những vườn cây rậm rạp như rừng gợi cho du khách cảm giác thanh bình và yên tĩnh lạ. Thành xưa của Warsaw không lớn như tôi tưởng. Nó chỉ còn lại độ vài chục mét dài nhưng toàn bộ công việc phục dựng đạt đến trình độ bậc thầy. Loanh quanh trong khu phố cổ trong một ngày hè mà gió mưa như độ cuối thu, dưới một bầu trời mây xám nhợt nhạt, tôi như nghe thấy âm hưởng của những ngày tháng chiến tranh thế giới thứ 2 đẫm máu mà tôi đã xem qua phim ảnh. Ôtsơvenxim còn đó, tượng đài những người giải phóng còn đó, làm sao có thể xóa sạch quá khứ, đổi thay lịch sử? Quên đi những điều đau thương để cuộc sống bớt nặng nề hơn, để hướng về tương lai một cách thanh thản hơn, là việc nên làm nhưng không thể quên đi tội ác. Điều đó giống với điều mà A.Sêkhôp đã cảnh tỉnh: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã đại bác vào đầu anh. Sòng phẳng và công bằng với lịch sử cũng là một ứng xử văn hóa.
MỘT THOÁNG CỘNG ĐỒNG
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có khoảng 30.000 người, chủ yếu sống ở Warsaw và Crakow. Tôi đã tiếp xúc với đại diện của cả hai thành phố và tình cảm của anh chị em với đất nước làm tôi cảm động. Tôi ngạc nhiên khi ở Ba Lan có cả Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi của anh chị em Việt kiều, những hội đoàn chỉ làm những việc phi kinh tế. Chuyện làm ăn, buôn bán là việc ở đâu cũng phải lo, nhưng sự đoàn kết, vui vẻ trong cộng đồng người Việt ở đây rất đáng trân trọng. Trong bữa cơm thân mật những người có mặt đã hát say sưa những bài hát về Hà Nội, về đất nước với những cảm xúc mãnh liệt.
Chia tay Ba Lan, chia tay cộng đồng người Việt với rất nhiều tình cảm và cũng có chút bùi ngùi. Chính vì thế mà khi máy bay đã lấy độ cao và Crakow chỉ còn là một bóng xanh mờ phía dưới, những đền đài, cung điện không còn nhìn thấy nữa, lòng tôi vẫn thầm nhắc đến câu thơ “Em ơi, Ba Lan...”.
Ghi chép của Phạm Quang Long