Hiện TCC đang chăm sóc hơn 900 cá thể thuộc 22 loài trong tổng số 25 loài rùa bản địa của Việt Nam. Hầu hết các cá thể được cứu hộ từ những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép hoặc được nhân nuôi sinh sản thành công tại TCC. Các loài rùa đang được chăm sóc, cứu hộ tại TCC bao gồm nhiều loài khác nhau như: rùa Trung Bộ, rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa sa nhân và rùa bốn mắt..., đặc biệt, có loài rùa hộp trán vàng miền Bắc thuộc loài cực kỳ nguy cấp (CR) theo Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Phụ lục II, Công ước quốc tế về buôn bán các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES), và được bảo vệ bởi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.
Trong những năm qua, TCC đã tiếp nhận, cứu hộ và tái thả về tự nhiên hàng nghìn cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt khác nhau. Gần đây, 30 cá thể rùa sa nhân được TCC tái thả về tự nhiên. Đây là loại rùa quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Do có nhiều loài rùa khác nhau được chuyển giao cho TCC nên việc xác định loài ưu tiên để nhân giống phục vụ cho công tác bảo tồn là vô cùng cần thiết. Vì thế, TCC chú trọng nhân nuôi bảo tồn các loài rùa bản địa tại Cúc Phương như rùa sa nhân và nuôi các loài rùa nguy cấp, quý hiếm như rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa Trung Bộ…
Năm 2015, TCC đã chế tạo và sử dụng máy ấp trứng đặc biệt với sự giúp đỡ của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP). Với máy ấp mới này, trứng của các loài rùa sẽ được duy trì trong điều kiện nhiệt độ mát hơn; đặc biệt, hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt tại TCC sẽ cung cấp điện cho máy ấp trứng hoạt động vào những ngày bị cắt điện kéo dài.
Với sự hỗ trợ của Vườn thú Bristol (Vương quốc Anh), TCC tiến hành cải thiện cơ sở vật chất cho phòng nuôi rùa non trong môi trường nước ngọt và xây dựng chuồng mới cho rùa sa nhân ghép đôi sinh sản. Khu nuôi rùa Trung Bộ cũng được trang bị thêm một chuồng mới, các bể nuôi rùa non ngoài trời được lắp cửa che bên trên, tăng cường bảo vệ và chắn các loài ăn thịt xâm nhập.
Bên cạnh công tác bảo tồn và nhân nuôi sinh sản, từ năm 2010, TTC đã mở cửa cho khách tới tham quan nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tại đây, du khách có thể quan sát các cá thể rùa trong sinh cảnh tự nhiên của chúng và được giới thiệu thông tin về đặc điểm sinh thái, tình trạng phân bố, mức độ nguy cấp của từng loài. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong công tác bảo vệ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, TCC đã phối hợp với Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) tổ chức các khóa tập huấn thường niên về kỹ năng nghiên cứu thực địa các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam cho các sinh viên, nghiên cứu viên và kiểm lâm viên nhằm cung cấp cho học viên kiến thức về đặc điểm sinh thái và phương pháp định loại các loài rùa bản địa của Việt Nam. Bên cạnh đó, TCC cũng có các chương trình hợp tác nghiên cứu ngắn hạn và hoạt động tình nguyện nhằm nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn.
Để khôi phục quần thể rùa và bảo tồn đa dạng loài ở Việt Nam, trong thời gian tới, TTC tiếp tục tập trung vào các hoạt động cứu hộ, chăm sóc và tái thả các cá thể rùa đủ điều kiện về với tư nhiên; nghiên cứu và triển khai nhân nuôi sinh sản với các nhóm loài ưu tiên; đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn cho các cơ sở bảo tồn, lực lượng thực thi pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn các loài rùa tại Việt Nam.
PV