RỪNG TRÀM TRÀ SƯ (RTTS) – SẢN PHẨM DU LỊCH HẤP DẪN
Tại RTTS tài nguyên tự nhiên kết hợp nền văn hóa bản địa tạo ra những sản phẩm du lịch rất độc đáo, hấp dẫn du khách. Nơi đây, có nhiều phong cảnh đẹp, mang vẻ hoang sơ của vùng sông nước miệt vườn. Trong tương lai, RTTS sẽ khai thác được rất nhiều loại hình du lịch để phục vụ du khách như: du lịch tham quan sinh cảnh rừng tràm, vui chơi, giải trí, cắm trại; du lịch chuyên đề, nghiên cứu khoa học; du lịch câu cá (đây là loại hình đang thu hút đông du khách); du lịch sinh thái kết hợp với khám phá nền văn hóa bản địa; du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng.
RTTS có hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất ngập nước nổi tiếng còn sót lại của tỉnh An Giang, có nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú và đa dạng, rất thích hợp cho việc nghiên cứu khoa học, học tập, tham quan… Với vị trí thuận lợi, nằm trong tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn, trong tương lai RTTS sẽ thu hút một lượng khách lớn đến tham quan. RTTS nằm trong chiến lược phát triển của tỉnh, là một trong những vùng trọng điểm, có thế mạnh về đầu tư, do được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên RTTS có cơ hội phát triển du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, RTTS là khu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nơi đây có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nếu phát triển du lịch mà không có sự tính toán kỹ và cụ thể sẽ gây ra nhiều bất lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài động, thực vật.
Nếu không có địa điểm thu gom xử lý rác thải thì ô nhiễm môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, dẫn đến sự thay đổi môi trường sống của các loài động, thực vật, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương…
Hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là cơ sở lưu trú trong khu vực chưa được đầu tư xây dựng, vì vậy du khách đến tham quan chỉ đi trong ngày, nên nguồn doanh thu du lịch thấp.
Vì vậy, lượng hướng dẫn viên du lịch còn ít và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Công tác bảo tồn nguồn tài nguyên rừng còn gặp nhiều khó khăn, do lực lượng kiểm lâm còn mỏng, sức ép dân số ngày càng lớn ở khu vực xung quanh rừng. Bên cạnh đó, RTTS mới được đưa vào phát triển du lịch nên công tác quảng bá còn nhiều hạn chế, du khách thiếu thông tin về RTTS.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THU HÚT DU KHÁCH ĐẾN RTTS
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Để thu hút du khách, RTTS cần phải có kế hoạch đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch RTTS. Khuyến khích mở các điểm trưng bày và bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng của làng nghề truyền thống có chất lượng cao với giá cả phù hợp. Miễn thuế với các mặt hàng lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đồng thời, chú trọng phát triển các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống dân gian, đờn ca tài tử, sưu tập các món ăn dân dã vùng sông nước.
Khai thác loại hình văn hóa bản địa, như nếp sống của cư dân địa phương, văn hóa ẩm thực thôn quê, kết hợp đờn ca tài tử Nam Bộ, trò chơi dân gian,… phục vụ du khách.
Tổ chức quản lý du lịch
Khi du lịch phát triển ở RTTS thì việc quản lý hoạt động du lịch là vấn đề quan trọng. Để quản lý tốt RTTS, cần thành lập một phòng chuyên đề quản lý phát triển du lịch và giáo dục môi trường, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các cụm dân cư… làm tốt công tác quản lý du lịch.
Tổ chức những hoạt động về giáo dục và bảo vệ môi trường
Lập kế hoạch giáo dục môi trường và bảo vệ tài nguyên du lịch. Biên soạn tài liệu giáo dục môi trường về di tích lịch sử và tài nguyên ở khu vực Trà Sư. Quản lý và hướng dẫn du khách tham quan du lịch RTTS có ý thức về môi trường. Tổ chức phổ cập các tài liệu giáo dục môi trường cho giáo viên, nhân dân trong vùng đệm nhằm tuyên truyền giáo dục các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bố trí thùng rác trong khu du lịch. Hạn chế hoạt động du lịch gần nơi cư trú của các loài động vật, tuân thủ vấn đề sức chứa, để không làm lão hóa thổ nhưỡng ảnh hưởng sự phát triển đến các loại thực vật. Đảm bảo vệ sinh các dịch vụ du lịch, nơi công cộng.
Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch RTTS
Cần phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực một cách có hiệu quả, phát triển lực lượng lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên, Người lao động trong lĩnh vực du lịch, tổ chức đào tạo ngành theo nhiều hình thức.
Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật và cơ sở hạ tầng
Việc xây dựng các khu nhà nghỉ phải tuân thủ kiến trúc phù hợp với cảnh quan sinh thái, nên sử dụng các vật liệu từ địa phương.
Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh của cơ sở ăn, uống, nhà nghỉ… nhưng phải quản lý tốt và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ.
Ngoài ra, nên đầu tư xây dựng nhiều chòi nghỉ mát ở khu du lịch và các điểm tham quan; đầu tư xây dựng lại con đường vào khu du lịch.
Đảm bảo an toàn trật tự xã hội
Tính an toàn là chỉ tiêu quan trọng phát triển du lịch, vì thế khi du khách đến khu du lịch sinh thái RTTS cần đảm bảo vấn đề an ninh trật tự, giữ gìn tài sản và tính mạng của du khách. RTTS cần phối hợp với các cấp chính quyền của địa phương thực hiện tốt công tác an ninh trật tự trong khu vực, tạo cho du khách an tâm khi đến du lịch. Cần thành lập một đội bảo vệ an ninh trong khu du lịch và vùng quanh rừng, đảm bảo an toàn cho du khách.
Để RTTS sẽ mãi là khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập nước, khu du lịch sinh thái giá trị của ĐBSCL và của cả nước, các ngành chức năng cần luôn quan tâm và đầu tư đúng mức.
Khu rừng tràm Trà Sư (RTTS) có diện tích 845ha (chưa kể vùng đệm 645ha), thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, được tỉnh quy hoạch thành khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. RTTS có tài nguyên thực và động vật phong phú. Đặt biệt là sinh cảnh rừng tràm với trên 600ha rừng thành thục và trung niên, cùng với các trảng cỏ, lung đìa, là nơi cư trú và sinh sản lý tưởng của các loài chim, cò và thủy sản, tạo thành cảnh quan độc đáo tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu. |
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều soạn giả (2003), Địa chí An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
2. Lê Huy Bá (2005), Du lịch sinh thái, NXB Đại học quốc gia TP.HCM
3. Phạm Trung Lương (2000), Du lịch sinh thái, những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Tạp chí Du lịch)