Đảo yến Quy Nhơn là một hệ thống thắng cảnh tự nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có độ tuổi hàng vạn năm với những hòn đá không lồ cao tới cả trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nơi thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ. Trên đảo yến có tất cả 30 hang lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Trong mỗi hang nhỏ như hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn, hang Hẹp, hang Hầm Xe, hang Phanh… hàng năm cũng có thể thu được từ 100 đến 300 tổ yến. Còn những hang lớn như hang Cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài, hang Hích, hang Sức Khỏe, hang Nghìm, hang Luông, hang Khô, hang Cân, hang Cỏ…, đặc biệt là những hang có cửa quay về hướng Đông hoặc Đông Nam, thoáng mát, trần hang có nguồn nước ngọt rịn nhỏ qua khe đá, bên dưới là sóng biển dập dềnh, hàng năm có thể thu được 14 đến 15 ngàn tổ.
Nếu có dịp đến thăm đảo yến vào mùa xuân, chúng ta sẽ thấy từng đàn chim yến bay rợp trời, gọi nhau ríu rít. Mặc dù sống theo bầy đàn như vậy nhưng chim yến lại là loài sống thành từng đôi. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, trên đảo yến Quy Nhơn chủ yếu có hai loài: yến cỏ và yến sào.
Yến cỏ thân hình lớn hơn yến sào, làm tổ bằng cỏ, rác lấy từ các mỏm núi. Yến sào mới là loài chim quý. Loài yến này có thân hình nhỏ như chim sẻ nhưng bay rất khỏe. Chúng kiếm ăn bằng cách vừa bay vừa đớp mồi trên không giữa biển. Loài yến sào có thể bay 10 giờ liên tục không nghỉ. Chúng làm tổ không phải bằng cây cỏ mà bằng chính nước dãi của mình. Mỗi ngày một ít, chim yến tự tiết ra nước dãi, kéo thành sợi, quây lại làm tổ. Sau một thời gian, tổ yến khô đi trông giống như những chiếc vành tai gắn chặt vào trần hang vách đá. Khi chiếc tổ vừa đủ để nằm lọt thân mình, yến bắt đầu sinh sản.
Khai thác tổ yến là một nghề cực kỳ nguy hiểm. Trước đây, ngoài lòng dũng cảm, những người theo nghề này còn có những bí quyết mang tính cha truyền con nối. Ngày nay, nghề đã được quản lý, và để hạn chế tai nạn trong quá trình khai thác, người làm nghề được huấn luyện kỹ thuật cẩn thận. Tuy nhiên, muốn trở thành người khai thác giỏi, ngoài kiến thức và kinh nghiệm còn phải có tinh thần dũng cảm, sự bình tĩnh gan dạ và động tác khéo léo, chính xác khi leo lên các vách đá cheo leo, hiểm trở. Để có thể lấy tổ yến trên vách và trần hang, người ta bắc các giàn giáo bằng tre liên kết lại với nhau. Người khai thác có thể đi lại trên giàn giáo như những chiếc cầu vắt vẻo dọc ngang. Có những hang yến rất cao, giàn giáo phải dùng đến 300 cây tre. Những cột dọc phải nối từ 4 đến 5 cây tre mới lên tới đỉnh. Cách lấy tổ yến cũng hết sức công phu. Tai nào xa không với tay được, người ta dùng gậy đầu đóng đinh móc vào tổ để lấy ra.
Ngày nay, do ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển nguồn lợi, công việc khai thác phải tuân thủ theo một lịch trình nghiêm ngặt. Tháng giêng, tháng hai là mùa yến làm tổ sinh sản, sau đó một tháng mới được thu hoạch vụ đầu. Vụ thứ hai phải chờ đến khi chim con cứng cáp biết bay đi kiếm mồi mới thu hoạch. Vụ thứ ba khai thác ít, chủ yếu chỉ dưỡng cho đàn yến có điều kiện tăng trưởng bầy, đàn. Đến nay sản lượng yến thu hoạch hàng năm của Bình Định ước khoảng hơn 700kg. Đây là một mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho địa phương.
Đến với đảo yến, du khách không những được chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục bên ngoài hang động, nếu vào sâu trong hang, khách còn có dịp đắm mình trong khung cảnh hoành tráng, kỳ vĩ. Trên các vách đá, xen lẫn những giọt nước tí tách rơi là những chấm trắng li ti tựa như một bầu trời đầy sao của những đêm hè, các tổ yến đan khít vào nhau thành một chuỗi dài, các cặp bố mẹ chim yến đang xòe cánh hà hơi ấm cho con, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim con chíp chiu đòi mẹ mớm mồi. Tiếng sóng, tiếng nước rơi, tiếng vỗ cánh, tiếng chim kêu… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một âm hưởng kỳ lạ khiến du khách cảm giác như đang lạc bước vào chốn thiên cung.
Đảo yến - nơi du khách không thể bỏ qua nếu có dịp đến thăm Quy Nhơn - Bình Định ...
ANH TÚ