Hãy nhấm một ngụm rượu, một ngụm lớn, nhưng đừng quá nhiều để bạn dễ bị nuốt ngay. Hãy nhấm nháp hương vị của nó, đẩy rượu xung quanh vòm miệng một cách từ từ để rượu có thể ngấm vào mọi cơ quan xúc giác, vị giác trong miệng. Sau đó cố gắng mở miệng vừa phải, hút không khí vào, để cho hương vị rượu đi từ miệng đến cách cơ quan khác, lên tận đầu rồi lên tận mũi. Nuốt xuống bụng hay nhổ ra khi nào bạn cảm thấy hương vị của rượu.
Nếu các bạn thong thả cho rượu chầm chậm trôi theo thực quản xuống bao tử, đường đi của rượu có thể cảm nhận rõ ràng, tưởng chừng nhìn thấy, sờ mó được vì rượu trôi đến đâu gây nóng ran và sảng khoái đến đó. Để được gọi là sành rượu, phải nâng cấp thêm một bậc nữa, phải qua động tác nếm thay vì uống hay nhắp. Tại những bữa tiệc lớn ở khách sạn hay nhà hàng sang trọng, trước khi khui chai rượu, người phục vụ bàn bắt buộc phải trình cho chủ tiệc xem qua bao bì, nhãn hiệu (cả về loại rượu, tên rượu, xuất xứ, năm sản xuất) chứng tỏ loại rượu mà chủ tiệc yêu cầu, là còn “nguyên chai, nguyên kiện”. Xong, người phục vụ bàn khui chai rượu ngay tại bàn tiệc, trước mắt mọi người, rót vào ly một lượng rượu rất ít, trình chủ tiệc nếm thử. Nếu chủ tiệc không sành về rượu hoặc vì bất cứ lý do gì không cần nói ra, sẽ chuyển ly rượu trong bữa tiệc cho người khác thay mặt nếm.
Chỉ sau khi người này gật đầu đồng ý, người phục vụ mới rót rượu ra các ly để tất cả khách cùng thưởng thức. Như vậy, muốn trở thành người nếm rượu chuyên môn không phải dễ.
Muốn được vậy phải có cả một qua trình luyện tập nghiêm túc và lâu dài. Khởi đầu phải đặt 4 ly chứa 4 loại chất lỏng có một trong bốn vị chính của rượu là ngọt, chua, cay, đắng. Độ đậm đặc của bốn vị được ghi là mười. Nếu bạn phân biệt được bốn ly thì xin tiếp tục phân biệt các vị trên với nồng độ giảm dần từ 10, 9, 8, 7… đến 2, 1, nghĩa là các vị chua, cay, đắng, ngọt rất loãng.
Qua được giai đoạn đầu, mời bạn tiếp tục sang giai đoạn hai. Pha từng 2 vị với nhau, ví dụ chua + ngọt, cay + đắng, ngọt + cay… Độ đậm đặc của các vị cũng giảm dần từ 10 xuống 01.
Hoàn tất giai đoạn hai, bạn tiến hành giai đoạn ba. Bạn pha vào ly ba vị cùng một lúc. Cái khó ở đây là vị đậm đặc thay đổi liên tục. Có khi thì đắng mười, ngọt ba, cay hai, có khi đắng tám, chua bảy, cay năm…
Qua giai đoạn bốn càng phức tạp hơn, đòi hỏi một cái lưỡi vô cùng tinh tế vì phải phan trộn cả bốn vị với nồng độ thay đổi mà bạn vẫn nhận ra hỗn hợp ấy, gồm những thành phần nào và độ đậm đặc của từng vị. Ví dụ chất này ngọt 2, chua 7, đắng 5, cay 10 hay chất kia chua 9, ngọt 5, cay 8…
Để đạt đến trình độ “cao thủ” trong nghệ thuật nếm rượu, bạn phải phân biệt cho được ít nhất 10 ngàn loại chất lỏng với bốn mùi vị chính của rượu. Nói là ít nhất, vì bên cạnh, bạn phải biết phân biệt các vị phụ của rượu như độ chát, độ mềm, độ nồng thay đổi mà bạn vẫn nhận ra hỗn hợp ấy, rồi còn mùi thơm, mùi gắt, màu sắc của từng loại rượu đặc trưng. Và đã là “cao thủ” đương nhiên phải biết hết các dòng rượu chính trên thế giới, cách chưng cất của từng loại rượu. Như thế vẫn chưa đủ. Bạn còn phải học thuộc thêm thời tiết, khí hậu của vùng sản xuất ra các loại rượu ấy, ít nhất cùng phải vài, ba chục năm trở lại đây.
Chưa hết, nội thời tiết lạnh quá hay quá nóng bức cũng ảnh hưởng đến kỹ năng nếm vì đầu lưỡi của bạn bị tê hay bị rộp do rượu quá lạnh hay bị hâm nóng của mùa hè. Vậy phải mất bao nhiêu thời gian quyết định chất lượng của loại rượu? Thông thường chỉ mất 3 giây phù du, nếu để kéo dài hơn, vị giác sẽ bị đầu độc, mất độ chính xác khi phải nếm nhiều ly trong một bàn tiệc. Nếu có người giúp việc đi kèm thì thay vì nói bằng lời, chỉ dùng động tác ra dấu hay gật đầu. Nói chuyện khi nếm rượu là một điều cấm kỵ và cần nên tránh.
Bài & ảnh: NGUYỄN NHÂN THỐNG