
Phá Tam Giang. Ảnh: Minh Hạnh
Từ TP. Huế, có nhiều ngả đường lên với phá Tam Giang, chẳng hạng bạn có thể theo trên xe đò vào đường Huỳnh Thúc Kháng, qua phố Bao Vinh tới bến đò Vĩnh Tu, là ra phá. Con thuyền chòng chành trong gió lộng, rủ cơn ngủ đến từ từ, trong cơn mơ vẫn nghe thấy khúc hát thuở xưa:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Du khách xưa kia đã từng miêu tả xứ Huế rất đẹp, muốn ghé thăm, phiền nỗi sợ truông nhà Hồ và phá Tam Giang. Truông nhà Hồ xưa kia là một khu rừng rậm nằm trên đường từ Bắc vào Nam cắt qua tỉnh Quảng Trị, trong rừng có nhiều hùm beo, rắn rết, tệ hơn nữa là hang ổ của bọn cướp, cứ thất người qua là cướp bóc. Phá Tam Giang gần TP. Huế, là một đầm nước nơi ở xa bờ thì nước xiết, gió như bão, mưa sướt mướt…
Theo sử, xưa phá Tam Giang có tên là Hải Hạc đàm, tức đầm biển cạn, sâu trung bình từ 2 – 4m, và sâu nhất là 7m, vì thế tạo nên những vực xoáy hoặc sóng thần kinh khủng. Phía Bắc, phá nằm giữa ba dòng sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương; phía Nam giao với đầm Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú, Cầu Hai trước khi đổ ra hai cửa biển Tư Hiền và Thuận An, ban ngày nước có thể hiền hòa song ban đêm thì sôi réo liên tục, đò thuyền phải về bến từ lâu chứ không dám lênh đênh. Vì điều nay, dân gian đã phải dựng lên bên phá một ngôi miếu thờ thủy thần, và quanh năm hương khói.
Hiện 300 nghìn người dân của 31 xã 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc của Tỉnh gắn với phá Tam Giang - Cầu Hai. Người dân làm nhiều nghề mà nổi bật là ngư nghiệp, với khoảng 2.500 chiếc thuyền, hàng năm đánh bắt khoảng 3.000 tấn tôm cá, dưới các hình thức nò sáo, rớ giàn, chuôm, dạy, đáy trong đó nò sáo mắc tập trung ở Phú Vang.
Người dân Tam Giang, làn da ngăm đen, họ đã hình thành một nếp sống lâu đời, ai cũng rắn rỏi, thạo bơi lặn, giỏi đánh bắt thủy sản, sống cuộc đời trên sông nước. Ngày nay, nhiều người đã lên bờ sinh sống, hoặc có lối sống ổn định, và còn tạo nên sức hút du lịch đêm lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho vùng. Nhờ các phương tiện dự báo, mọi người không còn sợ sóng dữ, sáng sớm hoặc tối khuya lại rong thuyền ra khơi. Thuyền đi nhẹ tênh, thuyền về chở đầy tôm cá. Cứ sớm tinh mơ hoặc chiều tối, một góc phá trở thành chợ bán thủy sản tươi sống và các món ăn từ thủy sản khó quên gồm cá dìa, cá hanh, cá vượt, cá nâu, cá lệch, cá chình, tôm sú, mực, ghẹ… cuốn bánh đa chấm mắm, ăn với lẩu, kho với măng đắng… Nhiều người vừa đánh cá vừa chở khách, trong đó có các phụ lão lái đò.
Ngoài ngư nghiệp, bên phá Tam Giang còn nhiều làng nghề như làng Địa Linh chạm cẩn, làng Thủy Tú làm gạch ngói, làng An Thuận - cốm dẹp, làng Bao La - thúng mủng…
Bất cứ ai đứng trước phá Tam Giang đều sẽ choáng ngợp bởi sự mênh mông bát ngát, buổi trưa phá sáng lấp lóa bởi nước và cát gặp nắng, buổi chiều phá lại êm ru mát dịu trong bóng những hàng liễu tha thướt. Ở đây trên trời nắng gắt, song trên mặt nước gió lạnh. Khi giữa dòng nắng như rót mật, nhưng gió thốc bạt người. Càng về chiều gió càng mạnh, nổi sóng. Mưa ở đây cũng lớn. Rào rào như máy xát gạo. Thế nhưng mưa tạnh rất nhanh, và rồi trời nắng, không khí thoáng đãng, mơn man. Giữa bao la, không có bến đâu, thuyền không trú vào đâu, cứ thế bồng bềnh… Tất cả, đã tạo nên vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Chu Mạnh Cường