Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ chủ trì Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có lợi thế gần trung tâm thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp với 905 ha mặt nước hồ Đồng Mô và nằm trong chuỗi các điểm du lịch trong khu vực, trở thành một địa điểm lý tưởng cho đầu tư và khai thác hoạt động du lịch. Ngày 19/9/2010, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khai trương nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và bước vào khai thác cục bộ, mở cửa đón khách du lịch. Tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án không đáp ứng nhu cầu kế hoạch nên tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng, các sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện nên còn gặp khó khăn trong quá trình khai thác, lượng khách du lịch đến tham quan chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của dự án.
Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam một mặt đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước vào quá trình đầu tư, phát triển; mặt khác phải có kế hoạch khai thác đạt hiệu quả cao nhất các công trình đã hoàn thành và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên của dự án.
Theo Phó Giám đốc Ban quản lý Khu các làng dân tộc Nguyễn Hữu Thắng, lượng khách du lịch đến Làng năm 2011 trung bình là 15.000 khách/tháng với tỷ lệ khách du lịch ở các địa phương ngoài Hà Nội chiếm 35% và phần lớn khách du lịch tự liên hệ, không thông qua công ty lữ hành. Dự kiến, đến đầu năm 2013, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ bán vé vào cửa và thu phí các dịch vụ. |
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm góp ý cho Kế hoạch khai thách du lịch tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015 và các năm tiếp theo; đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm giúp Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam khai thác có hiệu quả hơn các sản phẩm du lịch hiện có và hoàn thiện kế hoạch khai thác du lịch trong các năm tiếp theo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trước mắt nên tập trung một số vấn đề: làm thế nào để tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách đến làng dựa trên cơ sở đã có; việc kết nối tạo tour, tuyến du lịch, tham hoàn chỉnh phục vụ du khách; đánh giá khả năng đầu tư của các doanh nghiệp du lịch và đưa ra chính sách hợp lý để thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, nên đẩy mạnh hợp tác liên kết với các hiệp hội du lịch các nước, thu hút đầu tư quốc tế, đưa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một điểm nhấn thu hút du khách của Du lịch Việt Nam. Nhiều ý kiến khác của các đại diện doanh nghiệp du lịch xoay quanh vấn đề xây dựng và kết nối tour, phương tiện giao thông đảm bảo môi trường sinh thái như xe điện…, khu nhà nghỉ, dịch vụ giữ vững bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc…
Trang Lê