Hình thành 3 nhóm xu thế trong du lịch của người Nhật Bản ra nước ngoài. Đó là nhóm có xu thế tăng, nhóm bình ổn và nhóm có xu thế giảm. Nhóm đi Trung Quốc và Hàn Quốc là nhóm có xu thế tăng, nhóm đi các nước ASEAN, Haiti (Hoa Kỳ), Hongkong ít thay đổi. Nhóm đi các nước châu Âu, châu Mỹ giảm nhiều. Có thể nói, xu thế hướng vào các nước châu Á của dòng khách từ Nhật Bản đã trở nên khá rõ nét. Năm 2008, 12,96 triệu người, tức là 81% khách du lịch Nhật Bản đi các nước châu Á.
Người Nhật Bản rất yêu thiên nhiên, song hầu hết khách Nhật Bản thích các điểm di sản và văn hóa hơn là các điểm du lịch sinh thái. Song xu thế du lịch ngày nay lại nghiêng về khám phá cuộc sống thường nhật hơn là các điểm bảo tồn văn hóa. Sự quan tâm của khách Nhật Bản đã hướng nhiều hơn về cuộc sống đời thường. Những cửa hàng bán đồ lưu niệm, những cửa hàng ăn chuyên nghiệp dành cho khách du lịch, những điểm du lịch khác nhau… đã từng là những điểm đến không thể thiếu trong một chương trình du lịch trước đây đang dần bị bỏ qua. Du khách muốn tìm đến và hòa mình vào cuộc sống thường nhật của cư dân. Họ thích vào mua sắm những đồ vật bình thường trong những cửa hàng bình thường, họ chọn ăn uống ở nhà hàng ăn bình thường như dân bản địa. Trước đây, những sáng kiến đưa văn hóa truyền thống vào phục vụ khách du lịch đã tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Khách rất vui thú khi ăn các món ăn thôn quê Việt Nam như bánh cuốn, bún ốc, bánh đúc do các cô gái đi guốc mộc, mặc váy đen hay quần thâm, áo nâu sồng với chiếc nón lá giản dị, ngồi bên đôi quang gánh được bố trí tại các vị trí thích hợp trong khách sạn, hay ở các khu phố ẩm thực, trong các nhà hàng ăn. Song khách Nhật Bản ngày nay cho rằng đó là “hàng giả” “hàng nhái”. Họ muốn ra ngoại thành, về các vùng nông thôn để đón bát bún riêu cua từ tay một cô gái nông thôn thực sự, cùng thưởng thức miếng bánh đúc với người nông dân trong một quán nhỏ liêu xiêu ở góc chợ. Du khách muốn có những trải nghiệm như người dân địa phương. Trong các chương trình du lịch của khách Nhật đến Hàn Quốc, những chương trình tham quan danh lam thắng cảnh ít hấp dẫn hơn những chương trình trải nghiệm cuộc sống thường nhật, những chương trình “không có gì đặc biệt”! Trong các chương trình tham quan Xiêm Riệp, Angkor Wat, Di sản thế giới là điểm đến của du khách từ mọi quốc gia. Các công ty du lịch thường tổ chức tham quan trong vòng một ngày. Song người Nhật Bản thường ở lại lâu hơn, từ 2 - 3 ngày. Du khách Nhật Bản cũng vẫn rất say sưa với Angkor Thom, tượng Bayon bốn mặt, hoàng cung của vua Yavaraman thứ VII thế kỷ 12, quảng trường đấu voi, đền Banteay Kdey, Takeo, đền Taprohm… Tuy nhiên, rất nhiều du khách Nhật Bản đi xem các di tích nhỏ lẻ, đi đến tham quan các địa danh rất ít được nhắc đến như phế tích Ta Som, xưởng làm đường thốt nốt ở Phumni Khna… Những địa danh này cũng được họ quan tâm không khác gì các di tích nổi tiếng ở Angkor Wat!
Ở Việt Nam, Hội An là một trong năm khu vực được ghi vào danh sách di sản thế giới, một điểm du lịch trọng điểm cấp quốc gia. Với chương trình đêm phố cổ, hiện nay mỗi ngày, trung bình Hội An thu hút trên 1.500 lượt khách, trong đó trên 80% là khách quốc tế. Nếu so với phố cổ Hà Nội, Hội An được bảo tồn tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều khách Nhật Bản lại rất thích cuộc sống đời thường ở phố cổ Hà Nội. Một số nói rằng nếu có ít thời gian thì họ chọn tham quan phố cổ Hà Nội trước!
Rõ ràng xu thế này đã làm thay đổi khá nhiều quan điểm về tài nguyên du lịch, điểm du lịch, quan điểm về điều kiện phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch là những thành tạo của tự nhiên, những sản phẩm do con người tạo ra, cùng các giá trị của nó, có sức hấp dẫn khách du lịch. Bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành điểm đến của khách du lịch. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho khách du lịch thay đổi từ thái độ đến nhận thức.
Có thể khái quát xu hướng du lịch Nhật Bản sau suy thoái kinh tế trong ba chữ “an-kin-tan”.
[Chi tiết xem tại Tạp chí Du lịch Việt Nam số tháng 6/2010]
PGS.TS. TRẦN ĐỨC THANH