Hoa Lư Thi Tập là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa, nặng 54kg, kích thước 109 x 70 x 10 cm, bìa cuốn sách bằng gỗ, gồm 121 bài thơ viết trên giấy giả da, giúp người đọc hiểu thêm về nền văn hóa truyền thống của Việt Nam qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý. Tác phẩm này do GS.TS Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam sáng tác trưng bày tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã được đưa vào danh mục các di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Tại buổi lễ do Ủy ban UNESCO Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, GS.TS Hoàng Quang Thuận nêu rõ: Hoa Lư Thi Tập đã ghi lại những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, những đức tính chân - thiện - mỹ của người Việt, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam từ ngàn xưa cho đến bây giờ. Ông cho biết, tập thơ này được ông làm tại cố đô Hoa Lư, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ (từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng).
 |
GS.TS Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông trao sách Hoa Lư Thi Tập cho bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam |
Chính vì thế, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khi đọc tác phẩm này đã cho rằng: Đọc Hoa Lư Thi Tập ông được đắm chìm trong không khí hào hùng của sử thi, đầy ắp những ý tưởng của quá khứ, hiện tại và nối với tương lai. GS Hoàng Quang Thuận làm những vần thơ này như có nguồn cảm hứng của siêu nhiên.
Phát biểu sau khi nhận tác phẩm độc đáo này, bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của GS.TS Hoàng Quang Thuận khi trong quá trình sáng tạo tác phẩm đậm tính nhân văn này. Tác phẩm đã tạo thành một bộ miêu tả quý báu về di sản bởi chúng chứa đựng hồ sơ lịch sử 1000 năm dựng nước và giữ nước, giúp cho bạn đọc hiểu về lịch sử đất nước và văn hóa con người Việt Nam. Qua tác phẩm, bạn bè quốc tế có thể biết thêm về lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam trong 1000 năm qua; họ cũng có thể hiểu biết hơn về các điểm tham quan du lịch của Việt Nam như: cố đô Hoa Lư và Hoàng thành Thăng Long, cũng như về văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam.
Theo bà Katherine Muller - Marin, những tác phẩm được đưa vào Chương trình Ký ức thế giới không nhất thiết là những tác phẩm cổ xưa, mà quan trọng là nó có giá trị về văn hóa, có sự đóng góp to lớn cho nhân loại, thực sự là những tư liệu có ý nghĩa quan trọng với thế giới. Để một tác phẩm trở thành di sản thuộc chương trình Ký ức thế giới, những giá trị của tác phẩm cần được xác định trong hồ sơ đề cử của Chính phủ Việt Nam sẽ được trình thông qua Ủy ban quốc gia./.
Hồng Nguyên