 |
Khu Du lịch Thiên Sơn - suối Ngà dưới chân VQG Ba Vì |
Theo tài liệu Thực vật chí Đông Dương và những nghiên cứu sau này, Ba Vì còn bảo tồn được nhiều loài động thực vật quý hiếm của các kiểu khí hậu từ nắng ấm đến mát lạnh mây mù. Thực vật đặc hữu Ba Vì có các loài mua, thu hải đường, xương cá, cau rừng, lưỡi vàng làng cò, sặt, mỡ và cói túi. Cây thuốc VQG Ba Vì có tới 503 loài, trong đó có nhiều loài thuốc quý như hoa tiên, huyết đằng, bát giác liên, râu hùm... Hiện tại độ cao cốt 400m của VQG Ba Vì đang hình thành những khu vườn chim, vườn thuốc, vườn xương rồng, vườn cây mẫu để góp phần bảo tồn nguồn gen của 117 loài tre trúc, 70 loài cau dừa, 1.200 loài xương rồng và rất nhiều cây chỉ có ở nơi đây. Hệ động vật VQG Ba Vì đã thống kê được 45 loài thú, 139 loài chim, 30 loài bò sát, 24 loài lưỡng cư gồm nhiều loài quý hiếm như cầy vằn bắc, cầy gấm, gấu ngựa, beo lửa, chồn bạc má, sơn dương, gà lôi trắng, tắc kè, kỳ đà hoa, rắn hổ mang...
Vùng núi Ba Vì là vùng đất quần cư của các dân tộc Kinh, Mường, Dao với nhiều phong tục tập quán lâu đời. Ba Vì còn có những di tích lịch sử gắn với các huyền thoại như đỉnh Vua, đền Thượng - Trung - Hạ, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh… rất hấp dẫn du khách. Tham quan VQG Ba Vì, du khách có thể thám hiểm những thác nhỏ khuất sâu trong núi hay dừng lại ở độ cao 800m để ngắm vườn lan, khám phá những phế tích cổ như nhà thờ, cô nhi viện, nhà nghỉ cao cấp của quan chức Pháp, nhà tù chính trị…
Định hướng phát triển du lịch sinh thái
Sự đa dạng của các hệ sinh thái cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như thác Cổng trời, thác Ngà Voi, hang núi Tản Viên, đỉnh Chàng Rể, đỉnh Đế Vương… là những tiền đề thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái (DLST) tại VQG Ba Vì. Hàng năm, VQG Ba Vì đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách tham quan nghỉ dưỡng, nghiên cứu học tập, trong đó khách nước ngoài luôn chiếm từ 15 - 20%. Tuy nhiên, rào cản cho sự phát triển bền vững tại VQG Ba Vì chính là việc thiếu quy hoạch chi tiết. Trong thời gian tới, BQL VQG Ba Vì cần nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch các điểm cho phép khách tham quan, xây dựng các bản nội quy, quy định nghiêm cấm các hành động làm ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của động thực vật trong VQG, tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về DLST, quy định sự đóng góp của khách du lịch cho việc duy trì và bảo vệ môi trường.
Định hướng phát triển DLST gắn với bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Ba Vì đến năm 2015 đã xác định: khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kinh doanh dịch vụ DLST và hướng nghiệp; thông qua DLST để giáo dục và nâng cao ý thức cho cộng đồng và khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái, tài nguyên đặc dụng, bảo tồn tính đa dạng của Ba Vì. Nhưng trên thực tế, tiềm năng để phát triển DLST VQG Ba Vì chưa được đánh giá đầy đủ và chưa gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG. Các sản phẩm du lịch ở VQG Ba Vì hiện mới mang “màu sắc” của DLST. Để phát triển các loại hình DLST, BQL Vườn cần thiết kế một số sản phẩm, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của Vườn như các dịch vụ chữa bệnh bằng thuốc nam, trồng cây, thu gom rác; tổ chức các chương trình du lịch nghiên cứu sự đa dạng sinh học, trekking tour, quan sát đời sống hoang dã của động thực vật… hướng tới việc khuyến khích khách du lịch bảo vệ môi trường.
Vai trò của cộng đồng đối với phát triển DLST
Phó Giám đốc VQG Ba Vì Nguyễn Đức Hậu cho rằng hoạt động du lịch hiện nay có ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái VQG Ba Vì do nhận thức của cộng đồng và khách du lịch về DLST và bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế. Do vậy, việc nâng cao nhận thức là một việc làm cần thiết nhằm hướng tới sự cân bằng giữa phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được sự cân bằng thì vai trò của cộng đồng địa phương có ý nghĩa quan trọng bởi nếu cộng đồng địa phương không đảm bảo được mức sống thông qua các hoạt động mưu sinh thường ngày thì việc họ vào VQG khai thác các loại tài nguyên rừng là điều không thể tránh khỏi. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt công tác giáo dục ý thức của người dân thì đây chính là lực lượng bảo vệ, nhắc nhở du khách và giám sát hoạt động môi trường hữu hiệu nhất.
Để phát triển DLST, BQL VQG Ba Vì cần có kế hoạch giám sát môi trường thông qua việc kiểm tra định kỳ các nguồn gây tác động môi trường, đặc biệt là việc kiểm tra việc xử lý rác thải, nước thải của các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động xung quanh Vườn. Cần hình thành cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp khai thác thắng cảnh du lịch phải có trách nhiệm trích lợi nhuận từ hoạt động dùng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, tu bổ cảnh quan, giáo dục ý thức khi hướng dẫn khách tham quan. Các doanh nghiệp đang nhận khoán quản lý bảo vệ môi trường rừng của VQG Ba Vì cần xây dựng đề án tổ chức kinh doanh du lịch, trong đó xác định rõ nội dung hoạt động dịch vụ theo hướng cộng đồng gắn với phát triển du lịch bảo vệ môi trường sinh thái.
LÊ HẢI