Bạn biết gì về sở hữu kỳ nghỉ?
Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách đi trượt tuyết, một số khu nghỉ mát tại dãy núi Alps (Pháp) đã đưa ra hình thức sở hữu kỳ nghỉ từ những năm 1960. Theo đó, các gia đình được lưu trú tại cùng một khu nghỉ vào một thời điểm nhất định trong năm. Cũng từ đó, loại hình dịch vụ du lịch timeshare ra đời. Timeshare sau đó được giới thiệu tại Florida (Mỹ) vào năm 1970. Đến năm 1974, tổ chức RCI (Resort Condominiums International - Mỹ) hình thành. Từ đây, khái niệm Timeshare được hiểu rộng hơn: sở hữu kỳ nghỉ hay còn gọi là trao đổi kỳ nghỉ. RCI (Mỹ) - là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới kinh doanh dịch vụ du lịch này. Hiện nay, tập đoàn có khoảng 3,8 triệu thành viên trên toàn thế giới. Kể từ khi xuất hiện, sở hữu kỳ nghỉ nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, châu Mỹ, và trở thành xu hướng mới toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn. Bất chấp sự biến động kinh tế, lạm phát, giá cả... sở hữu kỳ nghỉ vẫn là một loại hình phát triển nhanh và năng động nhất trong ngành Du lịch nghỉ dưỡng thế giới.
Sở hữu kỳ nghỉ được hình thành từ ý tưởng chia nhỏ thời gian sử dụng bất động sản để có được chi phí sở hữu hợp lý với đại đa số người sử dụng. Nói cách khác, chủ sở hữu có quyền sử dụng một sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian hữu hạn và chia sẻ sản phẩm hoặc dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác. Người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ hay timeshare sẽ chi một khoản tiền nhất định để sở hữu một thẻ Sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của người phát hành thẻ (một tập đoàn chuyên về kinh doanh bất động sản hay một câu lạc bộ nghỉ dưỡng) và có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian nhất định thường là 7 ngày/năm theo truyền thống hoặc theo mùa và liên tục trong nhiều năm liền (từ 5 năm - 30 năm) với mức giá tại thời điểm thẻ được bán ra và sẽ được thanh toán 1 lần duy nhất. Thẻ đứng tên một người nhưng có thể dùng cho cả gia đình.
Bất động sản dành cho sở hữu kỳ nghỉ thường được thiết kế đầy đủ tiện nghi phục vụ các sinh hoạt thường nhật của một gia đình. Các bất động sản này thường rất đa dạng, có thể là phòng khách sạn theo tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, resort 4 – 5 sao, căn hộ cao cấp trong các khu nghỉ dưỡng hay các villa. Một điểm nổi bật của loại hình này là khả năng trao đổi kỳ nghỉ (timeshare) giữa những người sở hữu thẻ với nhau. Nghĩa là chủ nhân sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản ở địa phương hay một quốc gia này có thể đổi lấy kỳ nghỉ của người khác tại địa phương hay một quốc gia khác nếu muốn nhưng trong cùng hệ thống của công ty phát hành thẻ. Bằng cách này, việc du lịch ở các nơi trên thế giới trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn.
Mô hình dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam
Cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới, mô hình sở hữu kỳ nghỉ cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Kể từ khi du nhập vào Việt Nam, sở hữu kỳ nghỉ đã được áp dụng đầu tiên tại các khu nghỉ dưỡng, câu lạc bộ kỳ nghỉ như Sea Links Golf Resort – Mũi Né (Phan Thiết), Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay, Hồ Tràm Sanctuary, Nam Hải Resort (Quảng Nam), Furama Resort (Đà Nẵng), Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), Tản Viên Resort (Hà Nội), Manna Resort (Nha Trang) và mới đây nhất là Diamond Bay Resort 2 (Nha Trang). Trong đó, Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay, Sea Links Golf Resort – Mũi Né và Manna Resort hiện là ba nhà phát triển kỳ nghỉ chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Công ty TNHH Câu lạc bộ kỳ nghỉ Ninh Vân Bay là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình sở hữu kỳ nghỉ đối với thị trường du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam. Ngoài bốn khu nghỉ trực thuộc hệ thống đã được khẳng định về thương hiệu cũng như đẳng cấp như: Six Senses Ninh Van bay, Evason Ana Mandara Nha Trang, Emeralda Resort Ninh Bình, Ana Mandara Villas Đà Lạt, Ninh Van Bay Holiday Club còn liên kết với hơn 30 khu nghỉ đẳng cấp trong nước, trong khu vực và đối tác chiến lược nước ngoài của Ninh Vân Bay để phát hành thẻ nghỉ là RCI - tập đoàn trao đổi kỳ nghỉ hàng đầu thế giới với hơn 3 triệu thành viên - những người đang tận hưởng các kỳ nghỉ tại hơn 4000 resort trong hệ thống các khu nghỉ cao cấp của RCI trên toàn cầu.
Tập đoàn Rạng Đông áp dụng môhình Sở hữu kỳ nghỉ tại khu phức hợp Sea Links Golf Resort ở Phan Thiết từ năm 2009. Rạng Đông cũng ký kết với Tập đoàn trao đổi kỳ nghỉ Resort Condominium International (RCI) về trao đổi kỳ nghỉ giữa Sea Links với bất cứ khu nghỉ nào trong hệ thống RCI trên toàn thế giới. Lần đầu tiên phát hành có từ 500 - 1.000 thẻ Sở hữu kỳ nghỉ Sea Links được tung ra thị trường với giá từ 12.000 - 15.000USD. Người mua thẻ có thể chọn một trong 52 tuần trong năm để nghỉ dưỡng miễn phí tại Sea Links Golf Resort và thẻ này có giá trị trong vòng 20 năm. Ngoài ra, chủ sở hữu thẻ còn có thể trao đổi kỳ nghỉ với một trong tổng số 4.000 khu nghỉ dưỡng bất kỳ thuộc hệ thống RCI trên toàn thế giới mà cũng không phải trả tiền phòng cho kỳ nghỉ của mình.
Manna Resort tại vịnh Cam Ranh, Nha Trang là khu resort đầu tiên áp dụng 100% mô hình Sở hữu kỳ nghỉ hay Timeshare tại Việt Nam. Do tập đoàn quốc tế Rafaeli – Israel và quỹ đầu tư Vietcombank cùng hợp tác đầu tư. Tại Manna Resort có 550 villas & suite chia quyền sở hữu theo tuần cố định và được thiết kế cho tối đa từ 5 đến 8 người với mức giá từ 7.000 – 25.000USD. Ngoài ra, còn có thể kể đến những tên tuổi khác như Nha Trang Plaza Hotel, AlMA...
Thị trường sở hữu kỳ nghỉ đang nóng dần lên
Theo báo cáo “Thị trường sở hữu kì nghỉ tại Đông Nam Á” vừa được công bố bởi C9 Hotelworks – công ty chuyên về tư vấn bất động sản và dịch vụ nghỉ dưỡng, loại hình sở hữu kỳ nghỉ đang bắt đầu phát triển tại Đông Nam Á, trong đó nổi bật là hai nước Thái Lan và Indonesia. Hiện nay, 56% các khu nghỉ dưỡng trong khu vực Đông Nam Á thuộc hai nước Thái Lan và Indonesia, trong đó Thái Lan chiếm 31% và Indonesia chiếm khoảng 25%. Ba nước còn lại lần lượt là Philipines (22%), Malaysia (20%), Việt Nam (2%) và theo ước tính có khoảng 500.000 khu nghỉ dưỡng, khách sạn đã áp dụng hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, theo đánh giá của C9 Hotelworks, với quy mô dân số trong khu vực, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với các thị trường khác.
Thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn đang dừng ở mức thấp trong khu vực. Khái niệm sở hữu kỳ nghỉ còn rất mới mẻ và xa lạ ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch hay thậm chí chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa hiểu khái niệm sở hữu kì nghỉ là gì. Và chỉ có một bộ phận rất nhỏ dân số ở thành thị mới được nghe qua khái niệm này chứ chưa quan tâm tìm hiểu về nó. Thêm nữa, các doanh nghiệp kinh doanh mô hình sở hữu kỳ nghỉ cũng chưa quan tâm đến việc quảng bá phổ biến sản phẩm đến người tiêu dùng. Tại Việt Nam, theo ghi nhận của giới kinh doanh, đối tượng mua đa số là các doanh nhân giàu có, phổ biến chọn loại thẻ 27 năm. Gần như rất hiếm trường hợp dùng thẻ để chuyển nhượng kiếm chênh lệch, mà chủ yếu sử dụng với ý nghĩa tinh thần, như một nơi chăm sóc bản thân, gia đình, đối tác, bạn bè thân thích và số ít là dành cho nhân viên trong công ty.
Các dự án kinh doanh theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ hay timeshare tại Việt Nam mặc dù có chất lượng dịch vụ và khả năng quản lý tốt do được điều hành và quản lý bởi các tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, do các quy hoạch đất đai và chính sách đầu tư của các địa phương, cũng như các nhà đầu tư vẫn mang tâm lý “thử thị trường” nên các resort timeshare ở nước ta hầu hết đang thiếu cả về
số lượng và quy mô. Cũng giống như bất cứ hiện tượng hay trào lưu nào từ nước ngoài mới được du nhập vào Việt Nam, sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải mất một khoảng thời gian đáng kể để người dùng tiếp cận và thực sự hiểu về nó. Mặc dù vậy, có thể nhận định thị trường giao dịch mô hình sở hữu kỳ nghỉ và trao đổi timeshare đang nóng dần lên khi xu hướng khách đi nghỉ ở khu nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Nhiều du khách Việt lựa chọn các khu resort để thực sự nghỉ ngơi, khách hay chọn hành trình ngắn ngày, di chuyển ít (khoảng trên dưới 1 tuần). Xu hướng này sẽ ngày càng tăng, bởi cơ cấu khách nội địa đi nghỉ ở resort đã chiếm tới 20% ở nhiều
doanh nghiệp do thu nhập của người Việt ngày càng tăng, đặc biệt là bộ phận dân cư thượng lưu, đồng thời lối sống của họ ngày càng hiện đại, nhu cầu đi du lịch nghỉ dưỡng và hưởng thụ ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ mô hình sở hữu kỳ nghỉ đang sử dụng Tổ chức trao đổi kì nghỉ thế giới (RCI) để trao đổi kỳ nghỉ khắp 5 châu khiến các sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ ngày càng có ưu thế so với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng khác.
Hiện nay, đã có nhiều người quan tâm và biết đến mô hình sở hữu kỳ nghỉ hơn vì có sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp tham gia vào khai thác phân khúc thị trường sơ khai và ít cạnh tranh này tại Việt Nam. Điều đó hứa hẹn trong tương lai không xa mô hình sở hữu kỳ nghỉ sẽ phổ biến và thực sự bùng nổ ở Việt Nam như các nước trên thế giới.
|
Tài liệu tham khảo
1. PATA Vietnam
2. Ninh Van Bay Holiday Club
3. http://www.sealinkscity.com/en/Golf.html
4. https://vietnamtimeshare.wordpress.com/
5. http://www.c9hotelworks.com/market_research_press.htm
6. http://www.arda.org/news- information/industryinformation/overview.aspx
ThS. Đoàn Hương Lan
(Tạp chí Du lịch)