(VTR) - Nhằm triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI, ngày 22/4/2015, tại Hà Nội, Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo tình thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI”.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách và quản lý thuộc các Bộ, Ban, ngành cũng như các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan, tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Trong thực tế phát triển kinh tế của các nước tiên tiến trên thế giới, văn hóa doanh nghiệp luôn được xem là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. Đối với Việt Nam, do nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn đang trong quá trình hoàn thiện, nên vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang nổi lên thành một nhu cầu quan trọng và cấp thiết. Để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ cũng như tối đa hóa lợi nhuận, điều cốt yếu là phải xây dựng cho được văn hóa doanh nghiệp. Đây cũng chính là mối quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những nội dung chính như: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững; phát huy ý thức và tinh thần dân tộc của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; cách thức nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm kinh tế, gắn hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với quảng bá văn hóa; kiến nghị với nhà nước về việc điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cũng thẳng thắn chia sẻ những quan niệm về xây dựng văn hóa. Theo ông, trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, nếu không am hiểu về văn hóa thế giới thì không giao lưu được, nhưng nếu không mạnh về văn hóa dân tộc, lại càng không hòa nhập được. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cả một chặng đường dài, cần sự vào cuộc của không chỉ các doanh nghiệp và doanh nhân.
Sự thành công của hội thảo được đánh giá tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới.
PV