Cây dừa “đi vào” hoạt động du lịch Bến Tre
Bến Tre được hình thành trên ba cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Với điều kiện địa lý khá đặc biệt, Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan sông nước hữu tình, cây xanh trái ngọt suốt bốn mùa, không khí trong lành, êm ả, với những món đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn. Chính điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng đã đem lại cho Bến Tre 3 vùng sinh thái: nước ngọt, nước lợ và nước mặn, từ đó hình thành nên các hệ thực vật tương ứng. Trong đó, vùng sinh thái nước lợ rất phù hợp cho cây dừa. Ngoài các giống dừa lấy dầu chất lượng tốt, năng suất cao, hàm lượng dầu nhiều, còn có các giống dừa uống nước rất đa dạng, có chất lượng nước ngọt... Tất cả các bộ phận của cây dừa đều có thể sử dụng làm ra những sản phẩm có giá trị. Vì thế, cây dừa đã và đang tạo ra việc làm cho người dân nơi đây.
Ngoài việc khai thác cây dừa như một cây trồng nông nghiệp đặc thù với các sản phẩm được chế biến ra từ dừa, thời gian gần đây Bến Tre đã tận dụng cây dừa trong khai thác du lịch. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, năm 2014 Bến Tre đón 904.000 lượt khách, năm 2015 đón 1.000.000 lượt. Khi đến với Bến Tre, đa phần các hoạt động của du khách đều liên quan tới cây dừa. Du khách được xuôi đò chèo dọc hai bên hàng dừa nước, ngắm những hành dừa xanh bát ngát, bao la; tham quan, đắm mình trong những vườn dừa mát rượi, tận hưởng những giây phút sảng khoái khi uống nước dừa ngọt lịm giữa trưa hè nóng bức, được mở rộng kiến thức khi nghe người dân địa phương nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch dừa. Không chỉ thế, du khách còn được tận mắt chứng kiến những công đoạn để tạo nên những sản phẩm độc đáo làm từ cây dừa như: thảm xơ dừa, bộ ấm uống trà, gạt tàn thuốc, lược, bình hoa, đũa dừa…
Khi đến với các làng nghề, du khách không chỉ được nhìn ngắm mà còn được trải nghiệm, thưởng thức những sản phẩm nổi tiếng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Bến Tre, rượu Phú Lễ,… Còn cảm giác nào tuyệt vời hơn khi tham gia trực tiếp vào các công đoạn tạo ra những sản phẩm nổi tiếng! Không chỉ thế, đến Bến Tre du khách còn được thưởng thức những đặc sản quê dừa mà không phải địa phương nào cũng có được như đuông dừa, củ hũ dừa, những món ăn được chế biến từ dừa: lươn um nước dừa, tép rang dừa, bánh dừa… Tất cả góp phần tạo nên thương hiệu rất riêng cho xứ dừa, làm say lòng biết bao du khách.
Festival Dừa Bến Tre cách hai năm lại được tổ chức một lần, là dịp để khẳng định vai trò, vị trí của cây dừa trong hoạt động phát triển du lịch ở Bến Tre nói riêng, trong ngành kinh tế của tỉnh nói chung. Festival Dừa lần IV năm 2015 với chủ đề "Cây dừa Việt Nam hội nhập và phát triển” đã thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia. Không gian dừa, còn gọi là “Con đường dừa” thu hút khoảng 10.000 người tham quan, vui chơi. Khu vực ẩm thực và triển lãm du lịch có 84 gian hàng ẩm thực của các đơn vị trong và ngoài tỉnh, 28 gian hàng trưng bày các sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh, trong đó có gian trưng bày sản phẩm du lịch liên kết "Bốn địa phương - Một điểm đến" của 4 tỉnh Long An - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh. Đặc biệt, chương trình du lịch xứ dừa đã đưa du khách đến với những điểm tham quan hấp dẫn trong thời gian diễn ra lễ hội. Đây chính là dịp để giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre, thương hiệu Du lịch Bến Tre đến với bạn bè gần xa, thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch.
Hiện nay, do biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xảy ra liên tiếp, nước mặn xâm nhập làm thu hẹp diện tích trồng các loại cây khác, nhưng cây dừa vẫn thích nghi tốt với điều kiện bất lợi. Do đó, du lịch sinh thái dừa sẽ ít gặp rủi ro hơn. Trong điều kiện nhiệt độ trái đất ấm dần lên và khan hiếm năng lượng, việc tiết kiệm năng lượng bằng cách sinh hoạt trong các loại nhà có vật liệu từ cây dừa, lá dừa và vật dụng từ dừa sẽ trở nên hấp dẫn đối với nhiều du khách.
Phát triển du lịch sinh thái dừa theo hướng bền vững
Bên cạnh thuận lợi, hoạt động phát triển du lịch gắn liền với cây dừa ở Bến Tre vẫn còn những khó khăn nhất định. Năm 2013 - 2014, giá dừa giảm khá mạnh, người dân địa phương có xu hướng đốn dừa trồng bưởi da xanh. Kiến thức về du lịch, giao tiếp của chủ các vườn dừa còn hạn chế gây khó khăn cho việc phục vụ du khách tại các điểm du lịch. Người dân địa phương chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tiềm năng, lợi thế du lịch của Bến Tre tuy đã được khai thác nhưng chưa tạo được sự khác biệt so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để phát triển du lịch sinh thái dừa theo hướng bền vững, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa ẩm thực dừa và giá trị y học trong du lịch sinh thái dừa. Xây dựng đặc trưng của du lịch sinh thái dừa Bến Tre như tắm hơi nước dừa, uống nước dừa tại vườn, khỉ leo dừa và biểu diễn thời trang dừa… nhằm nâng cao nhận thức về công dụng đa dạng của dừa. Thiết kế hình thức phố đi bộ với các dịch vụ bán hàng lưu niệm từ dừa và các sản phẩm mỹ phẩm từ dừa phục vụ chăm sóc sức khỏe du khách du, ẩm thực dừa về đêm... làm sao để khi nhắc đến du lịch Bến Tre, du khách nghĩ ngay tới cây dừa, và khi nghĩ tới cây dừa du khách muốn đến Bến Tre để được trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo.
Thứ hai, kết hợp du lịch sinh thái dừa với du lịch tham quan các làng nghề, các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc khác của tỉnh như lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu, khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, di tích Đồng Khởi, căn cứ Quân Khu ủy Sài Gòn - Gia Định… để tạo nên sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn cho các tour tuyến du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Thứ ba, tiếp tục củng cố và thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An.
Thứ tư, cải thiện chất lượng dịch vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch. Chính quyền địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người dân địa phương mà đặc biệt là các chủ vườn dừa; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân khi tham gia du lịch.
Thứ năm, đầu tư, nâng cấp một số cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động du lịch trong tỉnh.
Thứ sáu, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để hình ảnh cây dừa, hình ảnh Du lịch Bến Tre ngày càng gần gũi và hấp dẫn đối với du khách trong cũng như ngoài nước...
Tin rằng, những giải pháp trên nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới và sự bền vững cho thương hiệu du lịch xứ dừa Bến Tre.
Bến Tre là cái nôi đa dạng di truyền giống dừa của Việt Nam với đầy đủ các bộ giống từ dừa xiêm xanh, xiêm lục, xiêm lửa, xiêm đỏ, xiêm núm, dừa dứa, ẻo xanh... Trong đó có một số giống dừa gần như chỉ có ở Việt Nam như dừa sọc, ẻo nâu. Hiện nay, Bến Tre có trên 63.000ha dừa, mỗi năm cho sản lượng khoảng 500 triệu trái, xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm, đứng đầu cả nước về dừa.
|
ThS. Võ Thị Ngọc Giàu
Tạp chí Du lịch tháng 6/2016