Về với những vùng thôn dã, hóa thân thành nông dân và trải nghiệm cuộc sống lao động nhà nông đang được nhiều du khách quốc tế chọn lựa khi đến VN, nhưng sản phẩm du lịch này chưa được đầu tư bài bản.
Không chỉ là một trong những di sản văn hóa thế giới được nhiều du khách biết đến, điểm đến Hội An (Quảng Nam) còn được nhiều du khách quốc tế chọn nhờ sức hút của các điểm du lịch gắn với nông thôn.
Trải nghiệm đời sống nông dân
Làng rau Trà Quế - một vùng nông thôn xinh đẹp nằm tách biệt trên hòn cù lao nhỏ giữa một nhánh sông Thu Bồn không xa đô thị cổ Hội An.
Trước năm 2007 khi chưa đưa vào khai thác du lịch, không nhiều người biết đến sự tồn tại của ngôi làng này. Từ khi mở cửa đón khách, với ưu thế cảnh quan cùng chất lượng nông phẩm vượt trội, địa danh này lọt vào những điểm đến hàng đầu của du khách tham quan Hội An.
Giữa cái nắng vàng ươm đầu hè, làng rau Trà Quế hiện ra xinh đẹp với những thửa ruộng nhỏ vuông vức trồng vô số loại rau mùi. Những luống rau húng, quế, hành, tía tô, ngò, bạc hà cùng cải thìa, xà lách xanh mơn mởn đua nhau dậy mùi thơm nức một vùng.
Dưới giàn bầu mát rượi ở thửa rau của bà Nguyễn Thị Xiêm (75 tuổi), cặp vợ chồng du khách đến từ Đức là bà Bettina và ông Erwin thích thú xắn tay áo cầm cuốc học trồng rau.
Với sự trợ giúp ngôn ngữ từ hướng dẫn viên, bà Xiêm vui vẻ hướng dẫn cặp vợ chồng lên luống, chọc lỗ tỉa rau và gánh nước tưới rau.
Sau khoảng 30 phút trải nghiệm, cả hai vui vẻ chào tạm biệt bà Xiêm và không quên gửi tặng bà một khoản tiền tip.
Erwin bảo rằng ở nước Đức thật khó để tìm thấy khung cảnh làng quê yên bình như ngôi làng này. Nền nông nghiệp hiện đại của Đức chủ yếu sử dụng máy móc và canh tác trong không gian nhà kính.
"Nếu nói về năng suất và hiệu quả sản xuất thì không thể so sánh với những trang trại ở Đức, nhưng nơi này cho chúng tôi thứ cảm giác không thể tìm được ở quê nhà. Đó là cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cách làm nông nghiệp sạch hoàn toàn thủ công. Điều đó giúp chúng tôi thêm yêu mến và trân trọng những giá trị mà nông nghiệp mang lại" - Erwin nói.
Mỗi ngày làng rau Trà Quế đón tiếp hàng trăm lượt khách tham quan. Thu nhập tăng thêm từ du lịch đã giúp cuộc sống gần 200 hộ dân và bộ mặt nông thôn nơi đây cải thiện rõ rệt. Tranh thủ ngồi nghỉ lúc vắng khách, bà Xiêm chia sẻ rằng trước khi làm du lịch, người dân Trà Quế kiếm sống bằng nghề bán rau. Bữa được bữa ế, cuộc sống khá bấp bênh.
"Bây giờ nhà hàng khách sạn mở ra nhiều, rau Trà Quế có thương hiệu nên bán rất được giá. Chưa kể mỗi ngày đón vài đoàn khách được nhận phí dịch vụ và tiền tip. Riêng khoản này có ngày may mắn được cả bạc triệu. Khách Tây nói họ khoái nơi này vì chúng tôi trồng rau hữu cơ, không bón phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu" - bà Xiêm cười móm mém, chia sẻ.
Cần chuyên nghiệp hơn
Tại hội thảo Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn diễn ra tại Hội An mới đây, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết mô hình du lịch gắn kết nông nghiệp, nông thôn đang là hướng đi mới rất hút khách, đồng thời cải thiện bộ mặt các làng quê. Dù vậy trong phạm vi toàn quốc, xu hướng này còn non trẻ, chưa có nhiều sản phẩm độc đáo và thiếu chuyên nghiệp. Nhiều điểm đến chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Do đó, chi tiêu của du khách còn rất hạn chế.
Trong bối cảnh này, Quảng Nam được nêu tên như điển hình thành công với mô hình gắn kết nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch.
Ông Lê Ngọc Cường, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đã bắt tay phát triển các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn từ rất sớm. Mô hình đầu tiên là làng rau Trà Quế thành lập năm 2007 đến nay trở thành điểm đến có thương hiệu và hấp dẫn du khách.
Và nhiều làng nghề khác liên tiếp ra đời xoay quanh vùng di sản Hội An như làng rau An Mỹ, làng bắp Cẩm Nam, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa nước Cẩm Thanh đều thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị làm du lịch, thành quả Hội An đạt được hôm nay không phải dễ dàng. Anh Trần Văn Khoa - giám đốc Jack Tran Tours, đơn vị khai thác nhiều tour tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn tại Hội An - bảo rằng cái khó nhất chính là thay đổi phong cách làm du lịch của người nông dân.
Theo anh Khoa, lề thói của bà con là thiếu chuyên nghiệp, không nhất quán và hay thay đổi. Đã nhiều lần công ty bể tour vì nông dân thay đổi phút chót. Ví dụ, thỏa thuận với nhau là công ty đưa khách đến tham gia cưỡi trâu ra đồng, tập làm lúa nước, nhưng khi hướng dẫn viên đưa đoàn đến có người viện cớ bận chuyện riêng từ chối. Phổ biến hơn là tác phong trễ nải, chậm chạp, để khách phải chờ đợi, có thái độ thiếu thân thiện.
Anh Khoa cho biết đã phải đào tạo rất nhiều để người nông dân có thể làm du lịch. Thông thường phải mất ít nhất năm năm để một điểm đến đi vào hoạt động ổn định. Trong đó, điều quan trọng nhất để thành công là phải mang lại cho nông dân lợi ích hậu hĩnh. "Chúng tôi thuê nông dân gieo trồng trên chính mảnh đất của họ với mức lương cao và trả gấp đôi số lợi tức họ có được hằng năm. Nhiệm vụ của họ là dẫn khách ra đồng và cho khách trải nghiệm các công đoạn trồng lúa nước và quy trình làm ra hạt gạo" - anh Khoa nói.
Ba bên cùng có lợi
Việc gắn kết nông nghiệp, nông thôn vào hoạt động du lịch khiến ba bên cùng có lợi: từ doanh nghiệp, nông dân cho đến du khách. Với nông dân, nguồn thu từ du lịch mang lại đôi khi còn lớn hơn nguồn thu từ sản xuất.
Với du khách, đây là trải nghiệm tuyệt vời. Tại những nước phát triển như Mỹ, châu Âu, hình ảnh nền nông nghiệp thủ công đã không còn nữa. Theo anh Khoa, chính việc gắn kết nông nghiệp nông thôn với hoạt động du lịch đã giúp những làng quê thuần nông Việt Nam với nhiều cảnh đẹp càng trở nên quyến rũ trong mắt du khách và đứng trước cơ hội phát triển mới.
|
Nguồn: tuoitre.vn