Cát - góc nhìn mới từ nguồn tài nguyên cũ
Với hơn 3.200km bờ biển, những bãi cát trắng trải dài thực sự là tiềm năng để xây dựng những thiên đường du lịch cát tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay tài nguyên cát biển ở Việt Nam mới chỉ được khai thác ở các giá trị bề nổi như: làm vật liệu xây dựng, làm thủy tinh, làm bãi tắm với các loại hình vui chơi giải trí đơn giản như: thể thao trên cát, phơi nắng, làm các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên cát... Nếu phân tích và tìm hiểu cát với góc nhìn sâu sắc và toàn diện hơn sẽ thấy cát có rất nhiều giá trị tiềm ẩn mà con người chưa khai thác, đặc biệt là các giá trị mang ý nghĩa văn hóa và tinh thần…
Cát có thể được khai thác để trở thành nhiều sản phẩm du lịch phong phú, mang thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
Mô hình “công viên cát” với các vườn thiền cát, là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mang tính triết lý, giúp du khách hiểu về các giá trị của thời gian, về ý nghĩa của đời người, về tình yêu và sự khoan dung, tha thứ. Công viên cát cũng là nơi ghi lại dấu ấn hạnh phúc của bao lứa đôi.
Cũng có thể tận dụng các khả năng chữa bệnh của cát để tổ chức các chương trình nghỉ dưỡng như vùi mình trong cát chữa bệnh về cơ và da, spa cát…
Cát còn có thể chế biến thành nhiều đồ trang sức đẹp mắt, độc đáo. Các sản phẩm lưu niệm như tranh cát, hoa hồng cát… sẽ là những món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa về miền đất mà du khách đã đi qua.
Muối - không chỉ là gia vị
Đất nước ta có lợi thế trải dài theo biển, ôm một vùng rộng Thái Bình Dương – vùng biển có độ mặn cao nhất thế giới với những đồng muối năng suất cao suốt dọc bờ biển từ Bắc đến Nam. Từ bao đời nay, muối đã được thai thác sử dụng như một loại thực phẩm gia vị và là nguyên liệu trong một số ngành công nghiệp hóa chất,… song muối chưa được khai thác sử dụng dưới khía cạnh là sản phẩm du lịch.
Nếu chỉ xem xét muối dưới khía cạnh là thực phẩm gia vị, thì con người thực sự chưa hiểu hết về muối. Ngoài những cánh đồng muối trắng tinh khôi tạo cảm xúc thăng hoa cho những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh thì muối còn mang giá trị lớn trong việc chữa bệnh, hồi phục sức khỏe. Nhờ một số công nghệ hiện đại, muối có thể trở thành vật liệu xây dựng, trở thành tác phẩm hội họa và là chất liệu để tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí đặc biệt khác. Hơn thế nữa, muối là linh hồn của biển, gắn với phong tục tập quán sinh hoạt và đời sống văn hóa tâm linh của người dân miền biển Việt Nam bao đời nay. Nếu mạnh dạn khai thác và đầu tư, muối sẽ trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù cho du lịch biển Việt Nam.
Kết hợp hoạt động sản xuất muối và hoạt động du lịch là một trong những ý tưởng để tận dụng lợi thế cho phát triển du lịch. Theo đó, xây dựng công viên muối ngay trên những cánh đồng muối có thể đem lại hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất muối, vừa tôn trọng tự nhiên vừa giữ gìn nghề nghiệp truyền thống và văn hóa địa phương.
Công viên muối là một mô hình công viên chuyên đề chưa từng có trên thế giới. Đây sẽ là một cách tiếp cận mới cho việc khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên ven biển sẵn có của Việt Nam. Trong công viên muối, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí với muối, du khách sẽ được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc trong các không gian mới lạ như: vườn thiền muối, lễ hội muối, mê cung muối....
Du khách cũng sẽ được nghỉ dưỡng trong những biệt thự làm bằng vật liệu muối với trang trí nội thất bằng muối như: đèn muối, bàn ghế muối, tranh muối. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, từ trường từ muối rất có lợi cho sức khỏe con người. Khu nghỉ dưỡng và spa với khách sạn muối sẽ tạo sự thư giãn, tĩnh tại tuyệt vời, spa muối trong ánh đèn muối sẽ mang lại sự khỏe mạnh cho làn da. Ẩm thực muối với những món ăn đặc sắc như các muối vừng, chanh muối, cafe muối… đậm đà hương vị riêng theo cách của người Việt.
Rác - Sự hồi sinh của biển
Rác vốn được coi là vấn đề bức bối tại các bờ biển do vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch biển. Nhưng nếu nhìn rác dưới góc nhìn khác, dưới khía cạnh khám phá du lịch thì rác có thể tái sinh để trở thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhờ ý tưởng thiết kế của các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp, rác có thể trở thành những vật trang trí từ nhỏ đến to, từ những đồ lưu niệm đến những tượng đài, những công trình khách sạn nhà hàng... Mô hình công viên rác đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng nhằm mục tiêu giáo dục và cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ môi trường; vừa giải quyết được vấn đề rác thải vừa đem lại những sản phẩm du lịch mới lạ và độc đáo.
Rác thải thu gom được tại các bãi biển sẽ được phân loại và chọn lựa để sử dụng trong công viên tái sinh. Những rác thải được sử dụng chủ yếu là những chất thải rắn, khó phân hủy hoặc không phân hủy được (gỗ, nhựa, thủy tinh, kim loại...). Khi rác được đưa thành sản phẩm du lịch, rác sẽ được xử lý, làm sạch trước khi bước vào quy trình sản xuất. Các sản phẩm từ rác chủ yếu được làm thủ công, kết hợp một số máy móc đơn giản. Hoạt động trong công viên tái sinh đa dạng, dưới nhiều hình thức và phù hợp với nhiều đối tượng cụ thể.
Ngoài ra, hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm tái sinh đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sản xuất vì hàng hóa đều là tái chế, đầu tư ít, lợi nhuận cao và mang tính giáo dục về môi trường, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu.
Như vậy, với mô hình công viên tái sinh, rác có thể biến thành những sản phẩm để vui chơi, giải trí, rất hấp dẫn và độc đáo. Không chỉ làm chậm quá trình phát sinh rác thải, công viên tái sinh còn tạo ra được nguồn thu từ rác. Công viên tái sinh biển thực sự là một công trình đầu tư hiệu quả trong điều kiện môi trường tại các khu du lịch biên ngày càng xuống cấp như hiện nay.
Tài liệu tham khảo: 1. Đề tài khoa học cấp Bộ 2009: “ Thực trạng và giải pháp phát triển các khu du lịch quốc gia biển miền Trung” (giới hạn nghiên cứu trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ). Chủ trì: TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh. 2. Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 ( Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2011) |
TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)