.jpg)
Thôn Ta Lang thuộc xã Bhalêê, huyện Tây Giang là một trong những thôn ở vùng xa nhất của tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi sinh sống của 85 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu với 375 nhân khẩu. Người dân Cơ Tu tại thôn Ta Lang hiền hòa, thân thiện, sống bằng nghề truyền thống làm nương rẫy, đan lát, dệt thổ cẩm…
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang nằm bên con suối Chơr Lang, bên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cách Đà Nẵng và Hội An hơn 120km. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Cơ Tu đặc sắc, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ, làm tượng gỗ... Đến Ta Lang, khách du lịch có thể xuôi dòng Ch’Lang bằng bè tre, đắm mình bên thác R’Cung trắng xóa, thăm địa đạo Axòo và đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn.
Được hỗ trợ bởi Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), hoạt động du lịch cộng đồng tại Ta Lang đã phát triển trong vài năm trở lại đây. Điểm nhấn và điểm thu hút khách du lịch đến Ta Lang chính là bản sắc và môi trường văn hóa cộng đồng đã được đầu tư, xây dựng gắn chặt chẽ với phát triển du lịch, thể hiện qua một số nội dung sau:
Thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa
Để hỗ trợ phát triển du lịch, huyện Tây Giang đã bố trí ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, điện chiếu sáng tại thôn Ta Lang. Cảnh quan tự nhiên của thôn được chỉnh trang, bảo tồn phù hợp với lối sống truyền thống của cộng đồng và phục vụ phát triển du lịch. Môi trường văn hóa có đủ các thiết chế văn hóa như: nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày sản phẩm thủ công, nhà người dân vẫn giữ kiến trúc của cộng đồng dân tộc. Nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm tham quan, các hộ gia đình kinh doanh homestay, thôn Ta Lang đã lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể.
.jpg)
Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng
Đến nay, người Cơ Tu vẫn bảo tồn được ngôn ngữ, chữ viết riêng. Trang phục của người Cơ Tu vẫn giữ nguyên những nét truyền thống với nhiều màu sắc và họa tiết hoa văn. Phụ nữ mặc áo và váy mở, đàn ông quấn khố, ở trần hoặc mặc áo, mùa lạnh thì khoác thêm tấm choàng, đầu quấn khăn. Ẩm thực của người Cơ Tu cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch khi đến với Ta Lang. Các món ăn truyền thống như cơm lam nếp cẩm, thịt nướng, các món nướng lá chuối, các món nướng trong ống lồ ô, bánh sừng trâu, rau rừng cùng với rượu cần, rượu tà vạt, rượu chuối được làm từ các nguyên liệu của địa phương là các món ăn lạ, hấp dẫn du khách. Khách du lịch đến với thôn Ta Lang còn được trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống của người Cơ Tu như dệt vải, đan lát, rèn, làm gốm.
Nhà của người Cơ Tu ở Ta Lang vẫn mang kiến trúc truyền thống đặc trưng nhà sàn, mái uốn khum ở hai đầu giống hình mai rùa. Trong kiến trúc nhà của người Cơ Tu, điểm nổi bật là nhà gươl, một công trình to, đẹp nhất nằm giữa làng, có sân rộng và cột đâm trâu. Trong tâm thức của người Cơ Tu, nhà gươl là nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên, nơi bàn chuyện làng, chuyện nước và diễn ra các lễ hội quan trọng như Lễ hội ăn mừng lúa mới, Lễ tạ ơn rừng…
Lễ hội của người Cơ Tu không chỉ có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên, hòa cùng thiên nhiên, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên. Nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
.jpg)
Xây dựng lối sống, hành vi, chuẩn mực đạo đức
Từ năm 2019, cộng đồng địa phương ở Ta Lang đã có “Quy chế tổ chức hoạt động sinh thái cộng đồng”, trong đó quy định cụ thể hành vi và hoạt động của các bên liên quan đến hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng nhằm điều chỉnh hành vi, thói quen và lối sống của người dân trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong quan hệ, hành vi và cư xử với khách du lịch. Một số quy định cụ thể như: các hộ tham gia kinh doanh homestay phải cam kết thực hiện đúng những điều quy chế đưa ra, đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự cho khách lưu trú, áp dụng các mức giá đã được thống nhất; khi nhận khách đặt phòng trực tiếp phải thông qua đơn vị lữ hành phụ trách; đảm bảo nhân lực chịu trách nhiệm kinh doanh homestay có đủ năng lực về sức khỏe, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông và có nhận thức tốt về việc phát triển du lịch cộng đồng; các tổ dịch vụ, tổ nghệ nhân, tổ an ninh và vệ sinh môi trường… chịu trách nhiệm với công việc được giao và thực hiện phân chia nguồn lợi, lợi nhuận theo quy định…
Xây dựng môi trường văn hóa là một khái niệm tương đối rộng và có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng. Chương trình “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã đưa ra khái niệm về xây dựng môi trường văn hóa gồm 4 nội dung: (1) Xây dựng các thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa; (2) Xây dựng đạo đức, lối sống; (3) Bảo tồn và phát huy các giá trị của phong tục, tập quán; (4) Phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đối với các điểm đến du lịch cộng đồng, ngoài 4 nội dung trên, việc xây dựng môi trường văn hóa còn bao gồm các nội dung như: sự tác động của khách du lịch và các bên liên quan đối với môi trường văn hóa, văn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch tại điểm đến hay việc khai thác các yếu tố của môi trường văn hóa trong phát triển du lịch… Các nội dung này tạo nên sự khác biệt giữa môi trường văn hóa tại một cộng đồng nói chung với môi trường văn hóa tại một cộng đồng có phát triển du lịch.
|
Phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa tại cộng đồng
Các giá trị văn hóa truyền thống được khai thác nhằm tạo ra các chương trình biểu diễn, dịch vụ văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như khách du lịch khi đến với Ta Lang. Khách du lịch được dân làng chào đón trước nhà gươl, già làng tặng vòng đội đầu (có phân biệt nam, nữ), biểu diễn cồng chiêng chào mừng. Các chương trình giao lưu sử dụng nhạc cụ truyền thống của cộng đồng diễn ra trong không gian nhà gươl. Già làng ngồi cùng du khách xem biểu diễn các nhạc cụ truyền thống như ahenn (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò), cồng chiêng… Thôn có quy định không sử dụng loa trong giao lưu văn nghệ, hoạt động không quá 22 giờ để dân làng và khách du lịch nghỉ ngơi. Các tiết mục tự dàn dựng và biểu diễn dưới sự hướng dẫn của già làng. Người dân mặc trang phục truyền thống khi đón tiếp khách du lịch và biểu diễn văn nghệ cộng đồng.
Đối với các hoạt động trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương, ngoài việc được thưởng thức các món ăn truyền thống theo đúng tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ của du lịch cộng đồng do người dân trực tiếp nấu nướng, khách du lịch có thể tham gia nấu ăn, vào rừng lựa chọn các loại rau, lá để chế biến các món ăn cùng người dân. Các dịch vụ ăn khuya được bố trí xa khu vực có khách và cộng đồng dân cư nghỉ ngơi.
Bên cạnh các nội dung về xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch, Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ nhằm đảm bảo bền vững trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa ở Ta Lang. Dự án đã thành lập ban điều hành du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang với sự tham gia của nhiều bên liên quan như: các tổ dịch vụ trong cộng đồng, các hộ kinh doanh homestay, doanh nghiệp lữ hành, hội du lịch cộng đồng, Phòng Văn hóa huyện Tây Giang. Ban điều hành có nhiệm vụ quản lý và tổ chức các hoạt động: đón tiếp và phục vụ khách du lịch, hướng dẫn du lịch, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng, đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong phục vụ khách du lịch, các hoạt động truyền thông, xây dựng hình ảnh điểm đến và quảng bá du lịch…
Hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại Ta Lang được phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên, văn hóa truyền thống; đảm bảo giữ được tính chân thực, bản sắc địa phương, bình đẳng xã hội. Các hoạt động du lịch giúp chia sẻ lợi ích phù hợp, phân quyền sở hữu và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương; cung cấp những trải nghiệm ấn tượng cho khách du lịch và người dân địa phương; có mối liên hệ chặt chẽ giữa sự hài lòng của du khách, niềm tự hào và lợi ích của cộng đồng địa phương dựa trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư ở làng Ta Lang có quyền và được khuyến khích tham gia, được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng: nâng cao thu nhập, nhận thức về giá trị, bản sắc văn hóa địa phương, được tập huấn kỹ năng nghề du lịch, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa bản địa truyền thống. Văn hóa trong kinh doanh du lịch và chia sẻ lợi ích từ du lịch đang góp phần quan trọng vào việc hình thành môi trường văn hóa đặc trưng, khác biệt ở Ta Lang so với các thôn, bản khác của người Cơ Tu ở Quảng Nam.
.jpg)
Có thể khẳng định, phát triển du lịch cộng đồng ở Ta Lang gắn bó chặt chẽ với quá trình duy trì và xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng. Tuy nhiên, để việc xây dựng môi trường văn hóa và phát triển du lịch được triển khai một cách hiệu quả và bền vững hơn, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến; tiếp tục hỗ trợ các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng về xây dụng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch; xây dựng các chuỗi cung ứng và hệ sinh thái du lịch cộng đồng tại Tây Giang có sự kết nối giữa các điểm đến, trong đó có Ta Lang…
TS. Vũ Nam
ThS. Chu Khánh Linh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)