Theo đó, cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh; xác định các khu vực, địa điểm trồng cây cụ thể; giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển sau khi trồng; kết nối các địa chỉ cung cấp nguồn cây, quỹ đất trồng cây. Bản đồ số này cũng sẽ xác định được các khu vực xung yếu cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, ngăn chặn xâm nhập mặn, chống sa mạc hóa…; phục vụ sử dụng để công bố bản đồ quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng xanh của địa phương.
Bên cạnh đó, toàn bộ các chiến dịch trồng cây, chăm sóc hệ thống cây xanh trên phạm vi cả nước và từng địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sẽ được cập nhật thông tin, hiện trạng thường xuyên để mọi cây trồng mới đều được cập nhật thời gian thực (Real-time Updating) trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (BigData).
Ngoài ra, bản đồ cây sẽ có hệ thống tài khoản phân quyền để từng tổ chức, địa phương, cơ quan quản lý chuyên trách có thể đồng giám sát hiện trạng (số cây bị chặt phá, hỏa hoạn, sống tốt, đang ra quả và thu hoạch...) từ đó đưa ra các quyết định điều phối hiệu quả và đồng bộ.
Mạng lưới các loài cây quý, đặc biệt là hệ thống cây cổ thụ cần bảo tồn đặc biệt sẽ được gắn series mã hóa trên bản đồ cây, từ đó tối ưu hiệu quả về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các khu vực cần bảo tồn không quản lý và giám sát được bằng nhân lực.
Đặc biệt, toàn bộ các chiến dịch, sự kiện trồng cây theo hướng xã hội hóa sẽ được cập nhật thường xuyên trên bản đồ cây, góp phần quan trọng trong việc truyền thông và định hướng cộng đồng bảo vệ môi trường, phát động và lan tỏa sâu rộng các phong trào trồng cây và bảo vệ môi trường.
Thảo Anh