(VTR) - Thủ đô Washington D.C có diện mạo giản đơn với kiến trúc cổ, dãy nhà biệt lập ẩn mình dưới những hàng cây xanh, nhiều khoảng không gian trống, quang cảnh thoáng mát, tạo nên sự gần gũi, đưa con người đến gần với thiên nhiên. Bên cạnh đó, Washington D.C có những quy định nghiêm ngặt để xây dựng thành phố xanh và bền vững, đây là yếu tố quan trọng mang tính chiến lược để xanh hóa thành phố.
Năm 1994, thủ đô Washington D.C (Mỹ) với nhiều tòa nhà văn phòng, bệnh viện, trường học đáp ứng tiêu chuẩn bền vững về vật liệu xây dựng, sử dụng nước và năng lượng hiệu quả…, đã được Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC) trao Chứng nhận Công trình xanh LEED, đóng góp cho sự phát triển theo hướng xanh hóa.
Washington D.C đang nỗ lực để minh chứng việc giảm khí nhà kính có thể gia tăng hiệu quả, nâng cao năng suất và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo thông qua việc đặt mục tiêu cung cấp 50% lượng điện từ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện năng của thành phố; hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, góp phần thực hiện mục tiêu vào năm 2032, thành phố sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải carbon.
Với nhiều giải pháp hữu hiệu, Washington D.C là thành phố có nhiều dự án đạt Chứng nhận LEED nhất ở Mỹ. Đây là hướng đi đột phá của Washington D.C, góp phần đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
LEED là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh, được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh của Mỹ (USGBC). LEED cung cấp cho các chủ sở hữu, nhà quản lý cơ sở vững chắc trong việc xác định công trình kiến trúc xanh đạt tiêu chuẩn. LEED phân chia thành các mức đánh giá khác nhau dựa trên tổng số điểm công trình đạt được, bao gồm: Chứng chỉ Bạch kim, Vàng, Bạc. Để được nhận Chứng nhận LEED, công trình phải sử dụng hiệu quả nguồn nước, năng lượng, thải ít khí CO2 và tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên… |
PV