Không giống với những thương hiệu gia truyền khác, vịt quay Nguyên Sinh đã tồn tại và phát triển đến đời thứ 4 nhưng tên thương hiệu cũng thay đổi theo từng đời được trao truyền và đời trước chỉ truyền cho đời con gái sau trong gia đình.
Người khởi nguồn cho nghề vịt quay gia truyền cách đây 104 năm là cụ Hồ Tằng Xì, tiếp theo đến đời con gái cụ là bà Sáng sau đó bà Sáng truyền lại nghề con con gái là bà Sinh, với thương hiệu vịt quay Sinh Sáng nức tiếng một thời. Hiện, người cháu đến đời thứ 4 được thừa hưởng tinh hoa gia truyền của dòng họ có tên là Nguyên, lấy tên là vịt quay Nguyên Sinh. Mỗi cái tên mới ra đời là sự kết hợp của tên gọi giữa 2 thế hệ ghép vào nhau để khẳng định vị trí, sức ảnh hưởng của người đảm nhận vai trò được truyền nghề.
Vịt quay Nguyên Sinh đậm đà bản sắc núi rừng Đông Bắc. Những nét độc đáo và cầu kỳ khi lựa chọn gia các gia vị để tẩm ướp nguyên liệu và chế biến nước chấm góp phần làm cho món ăn trở nên hấp dẫn và đặc biệt hơn. Chị Nguyên cho biết, vịt quay muốn ngon, trước hết nguyên liệu phải rất đặc biệt, mang đậm hương vị của núi rừng như quế, hồi, hạt dổi, quả mắc mật… Lựa chọn nguyên liệu vịt là một yêu cầu quan trọng đầu tiên để làm nên giá trị thơm ngon và đặc trưng của vịt quay mà nơi khác không có được. Tỉnh Lạng Sơn có nhiều giống vịt cho chất lượng thịt thơm ngon như vịt bầu Thất Khê, vịt cổ xanh…. Việc lựa chọn giống vịt nào để để sử dụng cho chế biến trở nên dễ dàng hơn ở Lạng Sơn vì hầu như các giống vịt ở Lạng Sơn đều cho vị ngon đặc biệt hơn nơi khác; việc còn lại chỉ là chọn vịt to hay nhỏ vịt cái hay đực, già hay non, gầy hay béo để cho thịt nhiều và vừa khẩu vị của người tiêu dùng.
Chọn được nguyên liệu tốt rồi thì việc sơ chế cũng là một việc không kém phần quan trọng, vặt lông lâu sẽ khiến vịt ngâm lâu trong nước có thể làm cho vị có vị tanh và nhạt thịt, điểm độc đáo là khi vịt đã được rửa sạch sẽ dùng ống bằng cuống lá đu đủ rửa qua rượu để thổi căng phồng da con vịt lên, để khi quay lớp da sẽ dòn rụm hơn. Tiếp theo là việc tẩm ướp gia vị, với khoảng hơn 10 loại gia vị, đặc biệt là không thể thiếu quả và lá mắc mật được nhồi đầy vào bụng của con vịt rồi được khâu lại, để ngấm gia vị.
Sau cùng là món nước chấm, cũng là sự lựa chọn cầu kỳ của nhiều loại gia vị như hành, tỏi, nước tương, quả mắc mật, mật ong…, cách phối hợp và chế biến các gia vị với nhau đã tạo nên món nước chấm “bí truyền” béo ngậy mà không ngấy, có vị mặn, ngọt, cay, mang đậm bản sắc của gia vị vùng Đông Bắc.
Vịt quay Nguyên Sinh ngon nhất được ăn khi còn nóng. Chấm một miếng thịt vịt nóng hổi với nước sốt nhà hàng pha sẵn hoặc nước sốt gia vị được lấy ra từ bụng vịt, thực khách sẽ cảm nhận được ngay vị ngọt và độ chắc của thịt vịt tươi, phần da vịt quay giòn rụm hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của lá mắc mật cùng các loại gia vị. Tất cả làm nên một hương vị khác biệt, vô cùng hấp dẫn, ăn hoài không thấy chán.
Lạng Sơn dù có nhiều thương hiệu vịt quay, mỗi nơi là một bí kíp khác nhau nhưng tự chung lại cùng là niềm tự hào và là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân xứ Lạng. Ở bất cứ sự kiện lớn nhỏ, vịt quay là món luôn được hiện diện ở những bữa tiệc để người Lạng Sơn liên hoan, đãi khách. Đặc biệt là vào dịp tết Vu lan báo hiếu Rằm tháng Bảy, vịt quay là món không thể thiếu được trên mâm cơm cúng của người dân địa phương.
Đến Lạng Sơn, bạn có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều hàng vịt quay lớn nhỏ song thương hiệu vịt quay Nguyên Sinh là cái tên mà bất cứ người Lạng Sơn nào cũng biết, là địa chỉ mà du khách gần xa rỉ tai nhau tìm đến thưởng thức và chọn mua về làm quà cho người thân.
Phương Nhi