Phát biểu tại tọa đàm, ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, tọa đàm nhằm đánh giá, khai thác hợp lý tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh cũng như của khu vực. Đồng thời, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc trong thời gian tới, xác định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn trong vùng và khu vực.

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và lợi thế gần Hà Nội, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, hệ thống cơ sở hạ tầng thuận tiện, các điểm du lịch tương đối gần nhau... Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch thể thao golf trở thành điểm đến hấp dẫn.
Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch nên hình ảnh, sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 410 cơ sở lưu trú du lịch với 7.500 buồng, có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao; 1 khách sạn 4 sao; 4 khách sạn 3 sao; 45 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và các sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn. Năm 2019, khách du lịch ước đạt 6.100.000 lượt khách, tăng 17% so với năm 2018. Doanh thu ước đạt 1.910 tỷ đồng tăng 14% so với năm 2018. Trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn vui chơi giải trí cùng với du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm được xác định là trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, du lịch Vĩnh Phúc vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, còn bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể: sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù, các dịch vụ bổ sung còn hạn chế chưa hấp dẫn đối với du khách, đội ngũ lao động du lịch chuyên nghiệp còn thiếu, chưa có quà lưu niệm riêng biệt, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế.
Theo đó, để phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch. Quy hoạch các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng các khu mua sắm đồ lưu niệm và các sản vật địa phương, gắn với việc xây dựng sản phẩm OCOP với phát triển du lịch. Tăng cường liên kết vùng, với các tỉnh thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch. Khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng, góp phần đưa du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, du lịch Vĩnh Phúc cần quan tâm đến các sản phẩm mua sắm, vui chơi giải trí; quy hoạch phố đi bộ, chợ đêm, đồng thời chú trọng phát triển thị trường du lịch nội địa; khách nghỉ dưỡng cả trong tuần và cuối tuần và đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường.
PV