Nhãn hiệu nổi tiếng là chương trình được Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức bình chọn thường niên trong suốt 15 năm qua kể từ năm 2006. Thông qua chương trình, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tôn vinh các nhãn hiệu, các doanh nghiệp có nhãn hiệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí toàn diện như nhận thức của người tiêu dùng, phạm vi lưu hành, uy tín thương hiệu, kết quả kinh doanh…
Để giữ vững vị trí số 1 năm thứ 3 liên tiếp, Vietnam Airlines đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe này với kết quả vượt trội trên mỗi tiêu chí. Giải thưởng một lần nữa khẳng định vị thế của hãng hàng không quốc tế 4 sao, nắm giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của ngành vận tải hàng không Việt Nam; đồng thời, đánh dấu sức phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Vietnam Airlines trong năm 2020.
Đặc biệt, không chỉ được đánh giá cao bởi dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, Vietnam Airlines còn được đông đảo hành khách trong, ngoài nước yêu mến nhờ nỗ lực thực hiện thành công các nhiệm vụ quốc gia, trách nhiệm xã hội, vì lợi ích của cộng đồng. Trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, Vietnam Airlines đã tham gia vận chuyển miễn cước hàng hóa y tế phòng chống dịch, hồi hương gần 28.000 công dân Việt Nam, kết nối các đường bay chở hàng hóa phục vụ sản xuất, giao thương…
Cũng trong khuôn khổ Chương trình công bố nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu cạnh tranh năm 2020, Ban Tổ chức đã trao Bảng vàng tri ân cho Vietnam Airlines vì những đóng góp tích cực cho hoạt động quảng bá nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam trong 15 năm qua.
Bên cạnh ý nghĩa thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng về các nhãn hiệu uy tín, giải thưởng “Nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam” là hoạt động để các doanh nghiệp thấy được lợi ích, cách thức bảo hộ nhãn hiệu, phòng ngừa vi phạm sử dụng nhãn hiệu trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng cụ thể như sau: Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo; phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng được lưu hành; doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp; thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
|
Lan Phương