Dịch Covid-19 giáng một đòn chí tử vào các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch được xem là thiệt hại nặng nề nhất bởi chưa kịp bình phục sau cơn khủng hoảng do đợt dịch lần trước, nay lại tiếp tục “khó chồng lên khó”. Trong bối cảnh chung như vậy, Hanoi Tourism ảnh hưởng như thế nào?
Ảnh hưởng nặng nhất là dịch Covid đợt 1 bởi hầu hết các DN bỏ vốn đầu tư dịch vụ cho cả năm nên thiệt hại rất nặng. Đầu tiên là vấn đề tài chính, phải dốc toàn bộ nguồn lực đặt tiền trước cho các hãng hàng không (HK) từ cuối 2019 để chạy seri booking cho cả năm sau. Với Hanoi Tourism, thế mạnh là charter flight nên tiền vốn đặt cho HK rất lớn, riêng với thị trường Hàn Quốc, dự kiến có gần 100 chuyến bay chuyên cơ riêng trong năm 2020, chưa kể các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, châu Âu... Hiện giờ nguồn tiền này đọng bởi HK gần như không hoàn lại bằng tiền mặt, trong khi DN phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động.
Chỗ này cần nói rõ thêm một chút, HK có 2 chính sách (vé đoàn và vé lẻ). Sau khi đợt dịch lần 2 bùng phát dẫn tới nhiều chuyến bay phải ngừng, HK ra quy định trước ngày này tháng này mà không có khách bay là coi như mất. Các DN kiến nghị rất nhiều, sau đó các hãng cũng cho giãn thời gian ra một chút, nhưng vẫn khó với các DN du lịch, ví dụ yêu cầu với vé đoàn phải có ít nhất trên 20 người trên cùng một chuyến bay, tại thời điểm này là điều rất khó; rồi việc chuyển đổi vé bay nước ngoài (giá rất cao) sang bay nội địa cũng rất khó thực hiện vì DN thiệt hại nặng do vé nội địa thấp hơn nhiều lần.
Vấn đề thứ 2 là DN du lịch đề nghị hãng HK cho phép chuyển tiền đặt cọc vé đoàn sang tài khoản đại lý để bán vé lẻ, nhưng cũng không được chấp nhận. HK yêu cầu vé đoàn phải đi đúng theo chính sách vé đoàn chứ không được chuyển sang mảng lẻ.
Điều này có nghĩa là DN vẫn phải bỏ tiền mua vé cho khách lẻ (có nhu cầu bay), trong khi vé đoàn và tiền đặt vé đoàn là “bất di bất dịch”. Chính sách này rất thiếu linh hoạt, vì thời điểm này nếu đường bay quốc tế có mở ra cũng ít khách dám bay do tâm lý lo sợ dịch; nếu có cũng chỉ có khách đi thăm thân, công việc buộc phải đi, mà như vậy thì phải xuất lẻ chứ không thể đủ một đoàn trên 20 khách. Cho nên đấy là điều rất khó cho các DN lữ hành.
Thêm một yếu tố nữa là HK yêu cầu DN lữ hành phải xác nhận đoàn trước 30/06/2021, nếu không xác nhận coi như mất vé, hiện tại các DN vẫn tiếp tục kiến nghị giải quyết bởi chưa thể khẳng định đến thời điểm đó khách có dám bay với tình trạng dịch bệnh tại các quốc gia còn phức tạp như hiện nay không?
Đó là khó khăn rất lớn cho các DN, có thể nói, đối với DN kinh doanh thì dòng tiền mặt như là máu, đến thời điểm này tiền các DN bị “om” một chỗ là gần một năm, chưa kể lãi ngân hàng vẫn phải trả. Cái khó nữa cũng cần chia sẻ thêm là DN không được đáo hạn cơ cấu nợ với ngân hàng (vì quy định chỉ được 2 lần), nhưng với điều kiện là kinh doanh phải luân chuyển, mà trong khi mọi hoạt động phải dừng do dịch, thì luân chuyển đi đâu được? Nguồn thu là “âm”, chỉ có chi ra để duy trì DN.
Hanoi Tourism từ chỗ có 400 cán bộ nhân viên nay chỉ còn lại 20% - đó là những người rất tâm huyết với nghề - chuẩn bị sẵn sàng để khi dịch được kiểm soát là lập tức “kích hoạt”. Quan điểm của chúng tôi là tuyệt đối không để đứt gãy hoặc chậm trễ khi thời cơ đến.
Với kinh nghiệm của đơn vị hoạt động 15 năm trong lĩnh vực lữ hành, bà có nhận xét gì về tâm lý du khách sau 2 đợt dịch vừa rồi?
Đợt kích cầu nội địa lần 1 do TCDL phát động, Hanoi Tourism là đơn vị hưởng ứng rất tích cực, song lợi nhuận không phải là mục đích chúng tôi hướng tới, mà vấn đề cốt lõi là kịp thời nắm bắt hành vi tiêu dùng của du khách, cũng như khởi động cho giai đoạn sắp tới.
Trước đây hầu hết các DN du lịch làm tour theo hướng trọn gói từ A-Z và thường hướng đến đối tượng nhóm lớn thì hiện nay du khách có tâm lý ngại đi đoàn đông. Sau khi đợt dịch lần 2 bùng phát thì rất nhiều người dân cho rằng “phải sống chung với dịch”, do không thể xác định khi nào dịch mới được dập tắt hoàn toàn. Vì thế, tâm lý du khách muốn sống hướng nội, riêng tư, đi vào chiều sâu nhiều hơn là dịch chuyển; xu hướng đi nhóm nhỏ, gia đình và mang tính gắn kết nhiều hơn là “bề nổi” đoàn đông rầm rộ như trước đây.
Thứ 2 là yêu cầu của khách cũng thay đổi rất nhiều, dịch vụ phải mang tính chuyên nghiệp hơn, trải nghiệm đặc biệt hơn chứ không chỉ đơn thuần là tham quan, rồi ăn, uống, ngủ, nghỉ nữa. Nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới, khác biệt, vì thế các sản phẩm từ đây về sau sẽ phải gắn với giá trị mang lại cho khách hàng, chứ không đơn giản là bán tour, tổ chức tour như trước.
Thêm một yếu tố nữa là khách đã đi nhiều điểm đông đúc, nên họ cảm thấy xô bồ, thì bây giờ người ta cần nơi yên tĩnh mang tính chất kết hợp nghỉ dưỡng với sức khỏe, về với thiên nhiên nhiều hơn. Vì thế sản phẩm phải thay đổi và cung cách phục vụ cũng phải thay đổi.
Việc áp dụng công nghệ số trước đây kêu gọi rất nhiều nhưng khách hàng rất ít sử dụng, song bây giờ thì phần lớn người dân tìm kiếm tour qua các ứng dụng công nghệ, yếu tố này phát sinh và trở thành xu thế do trong thời gian giãn cách xã hội người dân tìm kiếm và tiếp cận công nghệ mới.
Cho nên cách thức truyền thông đến khách hàng phải thay đổi. Thiết kế sản phẩm khách hàng mong muốn, theo xu hướng mới mà người ta cảm thấy an toàn và mang trải nghiệm có trí tuệ trong đấy chứ không đơn thuần chỉ là đi và đi nữa.
Hanoi Tourism xây dựng các sản phẩm du lịch mới như thế nào để đón đầu xu hướng này?
Có 1 điều chắc chắn là du lịch vẫn sẽ khả quan. Bởi du lịch là nhu cầu thiết yếu, nhất là áp lực cuộc sống căng thẳng thì nhu cầu “đi để giải tỏa” là không thể thiếu.
Thứ hai, du lịch được xem là ngành thúc đẩy liên kết các nhóm ngành kinh tế khác. Đặc biệt là sau đại dịch du lịch là ngành tiên phong trong hoạt động kinh tế, có khả năng trỗi dậy nhanh hơn so với các ngành khác, giống như chất xúc tác để kích thích phát triển, cho nên du lịch phải phát huy vai trò mũi nhọn. Nhà nước xác định du lịch là ngành mũi nhọn là hết sức đúng đắn. Tin rằng du lịch sẽ chứng minh được vai trò thúc đẩy kinh tế để vượt qua khó khăn.
Từ những định hướng chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi xác định phát triển các nhóm sản phẩm gắn kết với lĩnh vực khác; tập trung những sản phẩm mang tính gần gũi với thiên nhiên hơn. Điều đặc biệt là du lịch đóng vai trò xúc tác để kết nối liên vùng, liên ngành, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả các địa phương, các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong nước để tập trung làm các sản phẩm liên quan đến nhóm ngành nông nghiệp như sản phẩm nông nghiệp sạch; du lịch chăm sóc sức khỏe; du khách cũng có thể tham gia vào quá trình này, hoặc tham gia xây dựng, thiết kế tuyến điểm.
Hiện ngành Du lịch đang chuẩn bị kích cầu du lịch nội địa lần 2, sẵn sàng cho du lịch quốc tế khi đủ điều kiện, DN kỳ vọng gì từ chương trình này?
Kích cầu là rất cần thiết để tạo đà cho các hoạt động du lịch bình thường trở lại, tạo tiền đề cho thời gian tới.
Tuy nhiên, đợt kích cầu lần 1 đúng vào mùa cao điểm, tâm lý của người dân lúc đó khác hoàn toàn vì họ cho rằng dịch đã được chặn đứng, nhưng khi đợt dịch lần 2 bùng phát, thì tâm lý người dân không còn thoải mái như trước, họ không vội vàng đi du lịch ngay nữa. Đối với DN thì sự mong chờ là có, nhưng không đặt nhiều kỳ vọng, bởi đây là mùa thấp điểm.
Đối với thị trường quốc tế, thời điểm này rất khó đưa ra nhận xét, khi khách nước ngoài vào Việt Nam thì vẫn phải cách ly theo quy định y tế, mà thời gian cách ly kéo theo rất nhiều yếu tố khác, ví dụ tour du lịch chỉ 5-7 ngày nhưng thời gian cách ly tới 14 ngày thì đương nhiên là rất khó đối với du khách cũng như các DN lữ hành…
Xin cảm ơn bà!
Việt Anh (thực hiện)