Trước hành động hung hăng, ngang ngược trên, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn kiên trì tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 ở khoảng cách từ 5,5 đến 6,5 hải lý và tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cũng như các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tất cả cán bộ, chiến sỹ luôn xác định tốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, thực hiện đúng đối sách đề ra.
Cùng với đó, trên mặt trận đối ngoại, Việt Nam vẫn kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, nỗ lực giải quyết tình hình căng thẳng trên biển Đông bằng con đường hòa bình.
* Việt Nam gửi thông cáo về tình hình biển Đông lên Liên Hợp quốc
Ngày 20/5/2014, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên Hợp quốc tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.
Sau khi liệt kê cụ thể những động thái của Trung Quốc kể từ ngày 2/5, thời điểm Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thông cáo nêu rõ hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước.
Thông cáo nhấn mạnh trên cơ sở kiên trì đối thoại tìm kiếm các biện pháp hòa bình, Việt Nam đã công khai liên lạc với Trung Quốc hơn 20 lần về vụ việc, bao gồm các kênh liên lạc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, các giao tiếp giữa Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petrovietnam) và Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC )...
Trước những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng một loạt tàu hỗ trợ ra khỏi vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đề nghị chính phủ tất cả các nước lên tiếng chỉ trích hành vi sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tôn trọng quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia ven biển phù hợp với UNCLOS 1982. Hành động sai trái của Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải và an toàn trong Biển Đông và trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
* Việt Nam và Philippines chia sẻ quan ngại về biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III sau khi kết thúc hội đàm. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, ngày 21/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino đã có buổi hội đàm trong bầu không khí cởi mở, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Tại cuộc hội đàm, về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại biển Đông.
Ngoài ra Philippines và Việt Nam cũng kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
* Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về vấn đề biển Đông
Sáng 21/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về tình hình quan hệ song phương và những diễn biến gần đây trên biển Đông.
Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo về những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cho biết Trung Quốc liên tục gia tăng số lượng tàu, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ lớn... khiến tình hình rất căng thẳng.
Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry đánh giá cao sự kiềm chế và thiện chí của Việt Nam thể hiện trong việc kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và đối thoại, không để căng thẳng leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Kerry đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến gần đây tại biển Đông; coi việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan tại khu vực tranh chấp ở biển Đông là hành động khiêu khích, làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Kerry cũng tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ về việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.
PV