Một sự kiện MICE vừa được tổ chức tại Hà Nội
* Có thể khẳng định rằng tiềm năng phát triển du lịch MICE của Việt Nam là rất lớn, thưa ông?
Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch MICE. Thứ nhất, Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản đẹp và con người Việt Nam rất cởi mở, nhiệt tình, thân thiện. Ẩm thực Việt Nam cũng hết sức phong phú, tuyệt vời. Việt Nam với 4 nghìn năm lịch sử cũng là địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch thông thường mà đặc biệt hấp dẫn với khách du lịch kết hợp tham gia sự kiện. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam phát triển du lịch MICE.
Tuy nhiên chỉ đến khoảng năm 2008, 2009 khi đất nước phát triển lên một tầm cao mới, giao thương buôn bán mở rộng với hàng loạt hiệp định thương mại song phương được ký kết, hợp tác du lịch được đẩy mạnh thì lĩnh vực này mới thực sự phát triển nở rộ. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa điểm có khả năng khai thác thế mạnh này khá hiệu quả. Nhiều khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam được lựa chọn trong các chương trình du lịch MICE như Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hà Nội... Hiện nay, Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực MICE. Mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 20%.
*Vậy, những nguyên nhân nào để Việt Nam vẫn chưa trở thành một nước có nền công nghiệp MICE phát triển, thưa ông?
So với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi, có nội lực. Tuy nhiên, Việt Nam là một đất nước đang phát triển nên tất nhiên còn nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển du lịch MICE. Thứ nhất, Việt Nam chưa có nhiều trung tâm hội nghị có quy mô lớn để tổ chức những sự kiện có quy mô lớn lên đến vài nghìn người. Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có một vài trung tâm có quy mô trên dưới 5 nghìn người như Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Triển lãm Giảng Võ, Triển lãm Sài Gòn. Khách sạn 5 sao những năm gần đây mặc dù đã được xây dựng rất nhiều, tuy nhiên số lượng này thực sự cũng vẫn còn quá tải với những sự kiện lớn mang tầm khu vực.
Khó khăn thứ hai phải nói đến đó là hạn chế nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được nhu cầu tổ chức hội nghị hội thảo cấp cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch đội ngũ này còn thiếu và yếu. Đội ngũ kỹ thuật có thể vận hành các loại máy móc, thiết bị trình chiếu, đặc biệt những loại máy móc có công suất lớn vẫn còn thiếu do hiện nay Việt Nam chưa có nhiều hội thảo lớn nên việc đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng hạn chế và việc đào tạo cũng chưa được chuyên nghiệp. Thêm nữa, do Việt Nam chưa có chiến lược cho việc đầu tư trở thành một điểm hấp dẫn của MICE nên các doanh nghiệp cũng hầu như chưa chủ động, hay mạnh dạn đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ hội nghị hội thảo quy mô quốc tế.
*Vậy, Việt Nam nên phát triển như thế nào thưa ông?
Từ những hạn chế trên để thấy rằng, để phát triển du lịch MICE, Việt Nam trước hết cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, đầu tư xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, khách sạn lớn. Chúng ta cần phải có một chiến lược quảng bá đồng bộ để thúc đẩy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch MICE phát triển.
Việt Nam cần xác định và có quyết tâm để đầu tư MICE trở thành một ngành công nghiệp riêng có tiềm năng thậm chí đem lại nguồn lợi lớn hơn, có khả năng phát triển mạnh hơn. Theo tính toán của các công ty du lịch thì hiện nay loại hình du lịch MICE mang lại giá trị doanh thu cao gấp sáu lần loại hình du lịch thông thường. Chính vì vậy, đây sẽ là nguồn lợi lớn mà Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần có một quyết tâm lớn để phát triển MICE thành một ngành công nghiệp mạnh.
Việt Nam nên đặt ra một chiến lược cụ thể, từng giai đoạn cho việc đào tạo nguồn nhân lực MICE. Đào tạo ở đây không đơn giản chỉ là cử một đoàn đi thực tế, tham gia hội nghị, hội thảo, mà Việt Nam phải có những chương trình hành động cụ thể về trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết đào tạo học viên kỹ thuật ... với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu tại sao các nước lại quảng bá MICE thành công như vậy. Hiện tại chi phí Việt Nam chi tiêu quảng bá hạn chế so với các nước trong khu vực vì thế Việt Nam cần phải cân nhắc những hạng mục cần chi tiêu, tránh dàn trải, sai hướng để làm sao hình ảnh, văn hóa, di sản Việt Nam được tiếp thị chọn lọc, sâu sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa. Nếu như nói đến Hàn Quốc người ta nghĩ đến Kim Chi thì tại sao chúng ta lại không thể tiếp thị Việt Nam với những món ăn đời thường độc đáo như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... Đơn giản như nem hay phở Việt Nam mặc dù là món ăn lựa chọn với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam nhưng món ăn tinh túy này vẫn chưa trở thành một thương hiệu ẩm thực trên thế giới.
Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực MICE với nhiều tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động thực sự không có tiềm lực kinh tế, chuyên môn, kinh nghiệm, chính điều đó đã làm cho thị trường MICE trở nên kém chuyên nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của MICE Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính vì thế, việc cấp phép hoạt động cũng như giám sát, quản lý doanh nghiệp cần phải sát sao hơn mới tạo ra một môi trường MICE chuyên nghiệp hơn, hạn chế những tranh nhau kém lành mạnh như bôi nhọ, dìm giá, kém chất lượng. Theo tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến phương án thành lập Câu lạc bộ kinh doanh du lịch MICE để có thể quản lý, hỗ trợ, hậu thuẫn, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp cũng như xúc tiến, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp để có thể kéo được những sự kiện lớn mang về Việt Nam. Nếu như ngay trên sân nhà đã không có sự liên kết, hậu thuẫn nhau thì doanh nghiệp Việt Nam khó có cơ hội phát triển lớn mạnh trở thành những tập đoàn lớn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực cũng như không thể phát triển sánh vai với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển trên thế giới.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV