Quý I năm 2016, ngành Du lịch đã thực hiện một số hoạt động nhằm thu hút du khách quốc tế như: chính sách thị thực; công tác xúc tiến, truyền thông du lịch trong nước và quốc tế; đã đạt được chỉ tiêu tăng trưởng mới so với năm 2015: lượng khách quốc tế đạt 2.459.150 lượt (tăng 19,9%), khách du lịch nội địa đạt 18,7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 109.137 tỷ đồng (tăng 21,2%).
Du khách đến từ khu vực Đông Bắc Á tăng trưởng cao nhất: Trung Quốc tăng 66%, Hàn Quốc tăng 30%, Hồng Kông tăng 160%, Đài Loan tăng 15% và Nhật Bản tăng 12%. Các thị trường gửi khách trọng điểm từ châu Âu đến Việt Nam có mức chi tiêu cao đều tăng cao, đặc biệt là 5 quốc gia mới được miễn thị thực: Italia tăng 28%, Tây Ban Nha tăng 27%, Anh tăng 23%, Đức tăng 19% và Pháp tăng 11%.
Các địa phương trong cả nước có nhiều hoạt động liên kết, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến chung. Nhiều tập đoàn lớn (Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh…) triển khai nhiều dự án có quy mô lớn hướng đến phân khúc du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp, tăng cường nguồn lực và năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.
Một số điểm đến và thương hiệu của Du lịch Việt Nam được các tổ chức uy tín và tạp chí quốc tế bình chọn: TripAdvisor bình chọn Hà Nội là một trong 10 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2016, Riverie Saigon là khách sạn sang trọng nhất Việt Nam; CNN đánh giá La Maison 1888 tại InterContinental Đà Nẵng là một trong 10 nhà hàng tuyệt vời trên thế giới...
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Trong hơn một năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thông qua Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã đem lại kết quả tích cực cho ngành Du lịch Việt Nam. Vì vậy, để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, các cấp, các ngành, cộng đồng và cơ quan báo chí truyền thông.
Anh Minh