Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Thường trực Tiểu ban Văn hóa Nguyễn Phương Hoà cho biết, năm 2022, vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, các hoạt động của Tiểu ban Văn hóa có bước phát triển, đóng góp hiệu quả thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 – 2025; khẳng định được vai trò, vị thế của Việt Nam trong cơ chế UNESCO. Đặc biệt, có 3 hoạt động do Tiểu ban Văn hóa triển khai thực hiện nằm trong top 10 sự kiện tiêu biểu của ngành VHTTDL năm 2022 là 2 di sản tư liệu của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đàm phán thành công hồi hương Ấn vàng Hoàng đế chi bảo về Việt Nam.
Đề cập về những kết quả đạt được của Tiểu ban Văn hóa, bà Nguyễn Phương Hoà nêu rõ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tạo khuôn khổ pháp lý thích hợp cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản được UNESCO ghi danh nói riêng. Các Di sản Thế giới tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương nơi có di sản, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, việc Việt Nam trúng cử thành viên Uỷ ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 – 2026; chuyển giao đầu mối Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam và bảo vệ chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu tại dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL đã góp phần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động quản lý di sản tư liệu.
Trong thể thao, việc thực hiện Công ước UNESCO về phòng chống doping trong thể thao cũng được Tiểu ban đặc biệt chú trọng khi thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping cho 1.200 VĐV tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao.
Bà Hòa cho hay, bên cạnh đó, hoạt động của Tiểu ban vẫn gặp một số khó khăn. Trong đó, nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ chuyên gia hàng đầu, giỏi ngoại ngữ ở các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm về bảo tồn di tích để tham gia ngày càng sâu rộng vào các tổ chức quốc tế về di sản văn hóa còn đang thiếu.
Các tiêu chí về di sản tư liệu đã được nêu rõ trong Khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản tư liệu. Tuy nhiên, các tiêu chí chưa được xây dựng cụ thể, đưa vào các văn bản pháp lý tại Việt Nam để hướng dẫn cho các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ di sản tư liệu. Cùng với đó, chương trình Ký ức thế giới vẫn chưa được quy định trong Luật Di sản văn hoá và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình di sản văn hoá này.
Theo bà Nguyễn Phương Hoà, để khắc phục những tồn tại Tiểu ban Văn hoá sẽ triển khai nhiều giải pháp, đưa vào phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023. Theo đó,Tiểu ban sẽ nỗ lực hoàn thiện thủ tục thành lập Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) tại Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới nói riêng, đặc biệt là chuẩn bị Dự thảo Luật Di sản văn hóa và Dự thảo Nghị định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Hòa cho biết, trong năm nay, Tiểu ban cũng sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại các Công ước UNESCO, các tổ chức, diễn đàn liên quan đến UNESCO tại khu vực và quốc tế như cơ chế báo cáo định kỳ, đóng niên liễm, tham dự các Kỳ họp định kỳ, các hội nghị, hội thảo…; triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025, tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2003 trong năm 2023. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ban, ngành liên quan xây dựng hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO ghi danh.
Phát biểu tại phiên họp , Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đánh giá cao những nỗ lực của Tiểu ban Văn hóa trong thực hiện các nhiệm vụ, nhất là những công việc liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa mang tầm quốc tế. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, với khối lượng công việc rất lớn, đề nghị Tiểu ban Văn hóa cần có kế hoạch hành động bài bản, khoa học, thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ với các Công ước quốc tế…. Khâu hoàn thiện hồ sơ di sản trình UNESCO phải được đặc biệt chú ý; thể hiện rõ Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo tồn, phát huy di sản. Bảo vệ di sản là trách nhiệm,
nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người dân Việt Nam ở thế hệ hôm nay và mai sau; thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, di sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế - xã hội của đất nước nên Việt Nam luôn xác định sẽ ưu tiên, sử dụng có hiệu quả nguồn lực để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Tuấn Hải