Quận Hai Bà Trưng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
* Bà có thể chia sẻ thành quả của công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa quận Hai Bà Trưng thời gian qua?
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 giao nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg công nhận ngày 23/11 hàng năm là ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cựcvào sự nghiệp bảo vệ vàphát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Với vị trí là quận trung tâm của thủ đô Hà Nội, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Hai Bà Trưng đã và đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong các nhiệm kỳ công tác, Quận uỷ, HĐND, UBND Quận đều ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. UBND Quận xác định, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn 2016 - 2020, quận đã triển khai đầu tư, tôn tạo 7 di tích với kinh phí hơn 89 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận và xã hội hóa. Giai đoạn 2021 - 2025, quận dự kiến đầu tư tu bổ, tôn tạo 7 dự án, bổ sung các hạng mục phụ trợ phát huy giá trị điểm đến từ nguồn ngân sách quận và xã hội hóa với tổng kinh phí trên 335 tỷ đồng.
Tại Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ 26, Quận ủy Hai Bà Trưng đã xây dựng 6 chương trình công tác toàn khóa và các chuyên đề, đề án thuộc chương trình, trong đó có chuyên đề số 11 về “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025”.
* Quận Hai Bà Trưng đã gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với hoạt động du lịch như thế nào?
Quận Hai Bà Trưng xác định, di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
Hàng năm, quận Hai Bà Trung đều phối hợp với các sở chuyên ngành, các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm kê, bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản trên địa bàn quận. Quận có 51 di tích được kiểm kê, trong đó có 35 di tích xếp hạng, bao gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt,19 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp thành phố; 23 địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử - cách mạng kháng chiến. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của quận Hai Bà Trưng nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung tới bạn bè quốc tế. Có thể kể đến như: Di tích quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng; cụm di tích chùa Hòa Mã; chùa Vân Hồ; chùa Vua; chùa Liên Phái; chùa Hộ Quốc; Khu tưởng niệm đồng bào bị chết đói năm 1945…
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ quận Hai Bà Trưng đã thống nhất chỉ đạo, thực hiện xuyên suốt nhiều giải pháp. Quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền luôn nâng cao vai trò, sự chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý để hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội truyền thống từng bước đi vào nề nếp… UBND Quận cũng chỉ đạo triển khai thực hiện việc tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận; số hóa công tác quản lý hồ sơ tại 100% các di tích để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch. Liên quan đến hoạt động phát triển du lịch, quận đã chỉ đạo thúc đẩy, phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch văn hóa gắn với tâm linh, vui chơi giải trí, mua sắm; nỗ lực xây dựng quận Hai Bà Trưng là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng.
* Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng không chỉ là di tích tiêu biểu của quận Hai Bà Trưng mà còn là địa chỉ thu hút du khách của Thủ đô. Bà có thể cho biết về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của quần thể di tích này thời gian qua?
Quần thể Di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 với tên gọi “Di tích kiến trúc nghệ thuật đền - chùa - đình Hai Bà Trưng”. Tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật thờ tự quý có giá trị văn hóa, lịch sử cao: 45 sắc phong, 33 di vật gỗ tiêu biểu bao gồm hệ thống tượng, kiệu, khám; 5 di vật đồng gồm khánh, chuông… và nhiều văn bia ghi lại công đức, lịch sử xây dựng mở mang quần thể di tích này.
Một trong những hoạt động gắn liền với Quần thể Di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng là Lễ hội Kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được tổ chức hàng năm từ ngày 4/2 đến hết ngày 6/2 âm lịch. Thông qua lễ hội thể hiện rõ sự quan tâm của tập thể lãnh đạo quận đối với công tác phát huy giá trị di tích, tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa gắn với không gian cảnh quan di tích. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, nâng cao ý thức, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân, du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt là góp phần vào việc quảng bá hình ảnh, thu hút và phục vụ du khách Thủ đô.
* Quận Hai Bà Trưng có kế hoạch gì để phát huy công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trong năm 2023 và những năm tiếp theo?
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn quận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận tới cơ sở quan tâm thực hiện. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh, khoanh vùng bảo vệ di tích; đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch”; lập kế hoạch, xin ý kiến các ban ngành, đơn vị liên quan việc triển khai thực hiện dự án “Số hóa công tác quản lý hồ sơ tại các di tích”; tiếp tục triển khai gắn mã QR Code tại các di tích; đẩy mạnh tuyên truyền chuyên mục “Du lịch Quận Hai Bà Trưng - Di sản và điểm đến” trên Cổng Thông tin điện tử quận và các phường thuộc quận.
Đặc biệt, quận Hai Bà Trưng đã xây dựng và trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt Đề án “Tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa” (Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông). Quận cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông; hướng tới xây dựng cụm di tích chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa gắn với tuyến phố đi bộ “Không gian văn hóa, cảnh quan hồ Thiền Quang, hội tụ và kết nối” và cụm di tích quốc gia đặc biệt đền - chùa - đình Hai Bà Trưng là điểm đến du lịch văn hóa kết hợp tâm linh của quận.
*Xin cảm ơn bà!
Gia Khôi
Tạp chí Du lịch tháng 12/2022