Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: "UNESCO là tổ chức gần gũi với nhân dân Việt Nam và có nhiều đóng góp thiết thực cho từng gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư. UNESCO đã sớm hỗ trợ xây dựng phương pháp giáo dục, động viên học tập và đóng góp để học sinh các vùng miền ở các hoàn cảnh khác nhau có điều kiện học tập sau kết thúc chiến tranh ở Việt Nam."
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Nhiều tri thức, kinh nghiệm của UNESCO là nguồn tham khảo quý cho việc xây dựng đường lối, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp cho việc đổi mới tư duy, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực liên quan. Việc UNESCO tôn vinh các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điểm tựa của niềm tin và sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước, trí tuệ và các giá trị chân thiện mỹ của dân tộc Việt Nam, kết tinh từ những người ưu tú nhất của mình. Với Việt Nam, UNESCO đã công nhận 31 danh hiệu uy tín."
Phó Thủ tướng cũng mong muốn UNESCO tiếp tục đi đầu trong việc thúc đẩy nền văn hóa hòa bình, tư tưởng khoan dung, việc chấp nhận và tôn trọng các nền văn hóa, đồng thời đề nghị UNESCO đi sâu hơn, gần gũi hơn vào cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là ở các nước đang phát triển; bên cạnh việc xây dựng ý tưởng mới và các thiết chế pháp lý. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách để UNESCO tinh gọn, hiệu quả hơn, phát huy được thế mạnh của mình trong gia đình Liên hợp quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, nhấn mạnh người dân Việt Nam luôn là những người bạn thân thiết của mình và gia đình; mong muốn người dân Việt Nam tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị quý báu của dân tộc bao gồm văn hóa và di sản, lòng hiếu khách chân thành và tình cảm nồng hậu.
Được thành lập từ ngày 16/11/1945, UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hợp quốc. Việt Nam trở thành thành viên của UNESCO năm 1976 và kể từ đó đến nay, UNESCO đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thông qua mạng lưới và các tổ chức của mình cho đến khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam tháng 9/1999. Những thành tựu hợp tác với UNESCO đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong số hàng nghìn di sản vật thể và phi vật thể còn tồn tại và lưu truyền trong cuộc sống đương đại hôm nay, Hà Nội vinh dự được UNESCO vinh danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, bia tiến sỹ triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới; hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Hà Nội cũng vinh dự là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình.”
Tại lễ kỷ niệm, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng đã trân trọng trao Huân chương lao động hạng Ba, phần thưởng của Đảng, Nhà nước Việt Nam cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và trao tặng Huân chương hữu nghị cho bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội./.
Nguồn: TTXVN