Sắc hoa “trên đá”
Khoảng mười năm trở lại đây, cứ vào mỗi dịp cuối thu, các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, nhất là huyện Đồng Văn, là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu của các tỉnh miền núi phía bắc. Du khách đến đây để đắm mình trong không khí mát mẻ, trong lành của miền cao nguyên, để thu vào tầm mắt những ngút ngàn rừng nguyên sinh, nhọn sắc đá tai mèo, những đèo lên, dốc xuống Mã Pì Lèng, Bắc Sum, Cán Tỷ và dòng Nho Quế xanh biếc thơ mộng. Nhiều người đến đây để nghiêm trang đứng dưới Cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc thiêng liêng của Tổ quốc, để thêm yêu mến và tự hào về đất nước mình hoặc để được say sưa trong sắc màu chợ phiên Mèo Vạc, Lũng Phìn, để mê mải bên những ruộng tam giác mạch rực rỡ…
Gắn bó với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang từ lâu đời, tam giác mạch là loài cây bé nhỏ, giản dị nhưng có sức sống mãnh liệt và nhiều công dụng như làm thức ăn, nấu rượu, chăn nuôi gia súc… Hoa tam giác mạch chỉ rộ nở trong khoảng thời gian trên dưới một tháng, nhưng tạo thành những cánh đồng trải dài mang nhiều sắc mầu sống động, đẹp mắt, thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, Lễ hội hoa tam giác mạch là một sản phẩm du lịch riêng có của Hà Giang, gắn liền với việc bảo tồn, phát triển những giá trị của Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn. Cây tam giác mạch cũng đã được tỉnh xác định là cây trồng chính vụ đông của bốn huyện vùng cao núi đá là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là loài cây đã cùng đồng bào đi qua những năm tháng gian khó, đói nghèo và nay sẽ tiếp tục nở hoa, khoe sắc, giúp cao nguyên đá phát triển kinh tế, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của vùng cao nguyên đá này đi muôn nơi.
Một thương hiệu hấp dẫn
Năm nay là lần đầu Lễ hội du lịch hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, mang đến nhiều chương trình văn hóa, lễ hội đa dạng và mới lạ. Hoạt động quảng bá du lịch được quy hoạch và đầu tư một cách bài bản, có sự kết hợp giữa chính quyền địa phương với các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Lễ hội khởi động từ đầu tháng 11 và kéo dài đến hết tháng với các hoạt động như: triển lãm ảnh nghệ thuật; tạo không gian trưng bày hoa tam giác mạch và các sản phẩm từ hoa; tái hiện một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số...
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 12-11 tại sân vận động thị trấn Đồng Văn, do các nghệ sĩ chuyên nghiệp của trung ương và địa phương, nghệ nhân các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo, Bố Y... tham gia biểu diễn. Các tiết mục thơ, múa, ca hát kể về truyền thuyết hoa tam giác mạch, trình diễn khèn, sáo, đàn tính… của các nghệ nhân dân gian Hà Giang được sắp xếp xen kẽ, hài hòa tạo nên một bức tranh đa sắc màu về lịch sử, văn hóa của vùng cao nguyên đá. Giám đốc Công ty CP Thương mại quảng cáo và Xây dựng Anh Sơn Phùng Ngọc Phượng, đơn vị phối hợp tổ chức lễ hội với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cho biết: Nhiều hoạt động nhằm nhận diện thương hiệu du lịch Hà Giang gắn liền với hình ảnh loài hoa tam giác mạch được thực hiện như: trồng hoa theo tư vấn, thiết kế của chuyên gia để tạo các hình khối, hiệu ứng đẹp mắt; bố trí các điểm chụp ảnh, điểm nghỉ chân, trông giữ xe, tránh tình trạng chen chúc, giẫm đạp, phá hoại ruộng hoa như đã xảy ra thời gian gần đây; tổ chức lễ hội ẩm thực truyền thống với các món ăn đặc trưng vùng cao, trong đó có món bánh, rượu và nhất là món lẩu làm từ hoa tam giác mạch; tận dụng cao nhất hiệu ứng lan tỏa qua các trang thông tin điện tử và mạng xã hội của giới trẻ. Hoạt động quảng bá từ xa cũng được triển khai như tổ chức triển lãm ảnh đẹp “Hà Giang- Hoang sơ xứ sở hoa tam giác mạch” tại Hà Nội. Việc khoanh vùng và đưa ra các sản phẩm đặc trưng cho mỗi huyện, thị trấn, thị xã trong vùng cao nguyên đá cũng được thực hiện để tạo thành liên kết du lịch, tuy cùng trồng hoa nhưng vẫn có đặc thù riêng. Du khách đến Đồng Văn được chụp ảnh với hoa tam giác mạch, thưởng thức trà, rượu, lẩu hoa; đến huyện Yên Minh trải nghiệm với vùng dược liệu, hoa quả (hồng Na Khê), du lịch sinh thái; trong khi ở Mèo Vạc họ lại được chiêm ngưỡng đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, đặc sản mật ong rừng và ở huyện Quản Bạ thì có thể thăm hệ thống hang động thạch nhũ kỳ thú gần như còn nguyên sơ…
Một khâu quan trọng là việc thông tin đầy đủ đến người dân địa phương, những chủ thể làm du lịch, đồng thời hướng dẫn và tập huấn cho họ tiếp đón du khách (do Hiệp hội Du lịch Hà Giang phối hợp với dự án của Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện). Đến nay, 100% thôn, bản, trường học trên địa bàn đã được tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.
Ngày hội du lịch Hà Giang với biểu tượng là loài hoa tam giác mạch độc đáo đã và đang mang đến không khí tươi vui, náo nức cho đồng bào các dân tộc và du khách. Qua đây cũng có thể là một gợi ý về mô hình chính quyền kết hợp với nhân dân, hỗ trợ nhân dân làm du lịch, tạo tiền lệ tốt cho các địa phương khác cũng có tiềm năng du lịch theo mùa gắn với một loài cây đặc trưng nào đó, để các hoạt động du lịch ngày một chính thống, hiệu quả và người dân tiếp tục được hưởng lợi từ ngành công nghiệp không khói này.
Nguồn: nhandan.org.vn