Trong khi ở một số tỉnh thành khác tỷ lệ này vẫn có xu hướng không đổi hoặc gia tăng. Theo kết quả giám sát trọng điểm 2011, tỷ lệ nhiễm HIV vẫn cao trong nhóm TCMT (13,4%) và PNMD (3%); cũng như kết quả điều tra lồng ghép hành vi và các chỉ số sinh học trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là 16,7%. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới có quan hệ tình dục với nam (MSM) vẫn còn cao.
Việc phân bố các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu thể hiện qua sự phân bố của nhóm quần thể này, phần lớn tập trung tại các trung tâm đô thị (cho dù không phải là không có nhóm này ở khu vực nông thôn). Các trường hợp phát hiện nhiễm HIV ở phụ nữ gia tăng ổn định, chiếm 31% các trường hợp nhiễm mới hiện nay, phản ánh sự lây truyền HIV có thể chậm nhưng ổn định từ nam giới có hành vi nguy cơ cao cho phụ nữ. Nhìn chung tỷ lệ hiện nhiễm HIV người trưởng thành (15 - 49 tuổi) duy trì ở mức 0,45% vào năm 2011. Theo kết quả ước tính và dự báo tình hình dịch HIV/AIDS đến 2015, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành (15 - 49 tuổi) sẽ vẫn ở mức 0,45% vào năm 2013. Nếu các chương trình can thiệp được duy trì và mở rộng thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này sẽ không tăng vào năm 2015.
Những thành tựu phản ánh nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong giai đoạn báo cáo 2010 - 2011 được thể hiện: (1) Sự tăng cường lãnh đạo và cam kết của Quốc gia; (2) Sự hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Nghị định số 69/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS đã đem lại sự hỗ trợ quan trọng đối với việc thi hành Luật phòng chống HIV/AIDS, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống mại dâm 2010 - 2015, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; (3) Tăng cường tập trung vào dự phòng đem lại những tiến bộ trong việc tăng sự tiếp cận với các dịch vụ HIV, đáng chú ý là các dịch vụ giảm tác hại, và đặc biệt là liệu pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone (MMT) cho những người tiêm chích ma túy; (4) Tăng cường huy động các nguồn lực để đối phó với công tác phòng, chống HIV/AIDS; (5) Mở rộng nhanh chương trình điều trị bằng thuốc ART; (6) Sự tham gia rộng rãi và mạnh mẽ hơn của các tổ chức xã hội dân sự trong ứng phó quốc gia.
Từ bài học kinh nghiệm
Dựa trên phân tích các thành tựu nổi bật trong mỗi giai đoạn báo cáo quốc gia chọn ra những bài học kinh nghiệm mới, nổi bật của đáp ứng của quốc gia, tại báo cáo UNGASS lần này đã chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm của Việt Nam về: (1) Tăng cường độ bao phủ và chất lượng của chương trình Methadone; (2) Ứng dụng khung đầu tư tại Việt Nam: tối đa hóa tác động của các nguồn lực hiện có, làm nhiều hơn với ít nguồn lực hơn và khai thác sử dụng đúng mức năng lực kỹ thuật và nhân lực để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ HIV trong một môi trường tài chính chặt chẽ hơn; (3) Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam.
Còn đó những thách thức
Báo cáo đã phân tích một số tồn tại chính như sau: một số văn bản pháp lý, chính sách và biện pháp chồng chéo nhau, chưa được thực hiện đồng bộ và đầy đủ ở các cấp, các ngành; phạm vi hoạt động của các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV hiện nay vẫn rất hạn chế, đặc biệt là tại trung tâm giáo dục lao động xã hội 05/06 và các trại giam, tại trại giam vẫn là một thách thức; vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV và những người có nguy cơ cao; thiếu nhân sự hoặc năng lực hạn chế, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng xét nghiệm; nguồn lực để phát triển bền vững các chương trình không bảo đảm.
Sự chững lại tài trợ của cả song phương và đa phương: Chương trình của WB/DFID sẽ chấm dứt vào cuối 2012, PEPFAR đã công bố cắt giảm đáng kể ngân sách tài trợ năm 2012 và cảnh báo rằng nguồn tài trợ sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới và Quỹ Toàn cầu gần đây đã hủy Vòng tài trợ 11.
Những giải pháp
Các giải pháp cụ thể trong giai đoạn tới tập trung vào: tiếp tục tăng cường các cam kết chính trị đối với HIV; thúc đẩy các nỗ lực nhằm đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV và sáng kiến điều trị 2.0; mở rộng chương trình điều trị MMT và các dịch vụ dự phòng HIV trong các trại giam, trại tạm giam và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, người sống chung với HIV và khu vực tư nhân; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực của các thể chế và nguồn nhân lực nhằm thu thập và sử dụng thông tin một cách chiến lược; lồng ghép công tác phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính thay thế; tăng nguồn ngân sách trong nước dành cho HIV; hỗ trợ kỹ thuật tăng cường thông qua Nhóm hợp tác chung Liên hợp quốc về phòng chống HIV, Nhóm điều phối các hoạt động HIV không chính thức do các vị đại sứ đứng đầu, Nhóm các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế khác; đào tạo và bổ sung nguồn cán bộ phòng chống HIV/AIDS ở các cấp, cán bộ tham gia thực hiện các hỗ trợ, dự án quốc tế phòng, chống HIV/AIDS ở Trung ương và các địa phương.
Trên đây chỉ là một số điểm chính về công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2011. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và các nhà lãnh đạo đã cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững những tiến bộ đã đạt được, trông đợi công tác điều phối hiệu quả giữa các Bộ, Ngành của Chính phủ tiếp tục được hợp tác với các đối tác quốc tế và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, để tiếp nối những thành công nhằm hoàn thành mục tiêu: "Ba Không”: Không còn các ca nhiễm HIV mới, không còn kỳ thị, phân biệt đối xử và không còn các ca tử vong vì AIDS.
PV