Chất ma túy gồm:
1. Các chất ma túy hợp pháp như:
* Các chế phẩm sử dụng trong y tế:
- Thuốc gây ngủ: Gardenal, Lepinal;
- Thuốc bình thần: Benzodiazepine;
- Thuốc dạng thuốc phiện: Morphine, Codein, Dolagan..., đặc biệt: Methadone, Buprenorphine, LAAM...;
- Thuốc cường thần: Amphetamin, Cafein;
* Các chế phẩm khác: rượu, thuốc lá, dung môi hữu cơ...
2. Các chất ma túy bất hợp pháp như: thuốc phiện, heroin; methamphetamine; cần sa (marijuana).
Nghiện ma túy là vấn đề gắn liền với lịch sử loài người. Nó là một tệ nạn xã hội (liên quan đến sức khỏe cộng đồng, đạo đức lối sống, tội phạm...). Theo Tổ chức Y tế thế giới, người nghiện ma túy là một tội phạm đồng thời là một người bệnh (do các yếu tố sinh học trong cơ chế nghiện), do đó cần được quản lý và điều trị bắt buộc.
Phòng chống nghiện ma túy cần có sự hợp tác hành động của toàn thế giới. Trong mỗi quốc gia cần có sự phối hợp của nhiều ngành và cả cộng đồng. Vấn đề điều trị, phòng chống tái nghiện cần có vai trò đặc biệt của ngành Y tế.
Nghiện ma túy là lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ của tâm thần học:
- Nghiện ma túy và các rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng chất được xếp vào mục Các rối loạn tâm thần & hành vi của ICD-10 (Mục F.)
- Cơ chế gây nghiện, tái nghiện: “Hiện tượng đói ma túy trường diễn” là cơ chế lệ thuộc về mặt tâm lý.
- Trong điều trị nghiện ma túy, các liệu pháp tâm lý (cá nhân, gia đình, thư giãn, nhận thức - hành vi...) có vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nghiện ma túy là trạng thái nhiễm độc chất ma túy mãn tính hay chu kỳ với các đặc điểm cơ bản là có nhu cầu không cưỡng được phải dùng chất ma túy, không kiểm soát được tập tính sử dụng, có hiện tượng tăng dung nạp, có hội chứng cai khi giảm hay ngừng sử dụng chất ma túy, sao nhãng các thú vui vì phải dành thời gian cho dùng chất ma túy, biết tác hại mà vẫn tiếp tục dùng...
Theo DSM-IV, hội chứng cai các chất dạng thuốc phiện gồm các tiêu chuẩn sau: dị cảm, buồn nôn, nôn, đau cơ bắp, chảy nước mắt, nước mũi, giãn đồng tử, vã mồ hôi, đi ỉa lỏng, ngáp, sốt, mất ngủ. Theo các nghiên cứu của Việt Nam thì hội chứng cai các chất dạng thuốc phiện có 12 triệu chứng (như thèm chất ma túy, nổi da gà, vã mồ hôi, giòi bò trong xương...). Các triệu chứng này xuất hiện sau ngừng dùng chất ma túy từ 6 đến 8 giờ; cường độ cao nhất vào ngày thứ 2, thứ 3; giảm dần và hết sau 7 - 10 ngày (1 số triệu chứng kéo dài vài tháng).
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nghiện ma túy trước hết và chủ yếu là lệ thuộc về tâm thần. Do bản năng cơ thể con người có thể tự điều chỉnh sự lệ thuộc về mặt cơ thể (hội chứng cai) trong vòng 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, hiện tượng thèm, nhớ chất ma túy vẫn kéo dài hàng năm trong não (craving - đói MT trường diễn). Nó diễn ra theo cơ chế như sau: bộ não đã phản ứng hàng ngày trong một thời gian dài với những cảm giác dễ chịu, sảng khoái do chất ma túy gây ra, dẫn đến việc lưu dấu vết vững chắc (phản xạ có điều kiện) tại các thụ thể μ, nó tồn tại tiềm tàng và thường trực trong não. Khi gặp một kích thích gợi nhớ chất ma túy, các dấu vết phản xạ đó được hoạt hóa trở lại, gây xung động thèm chất ma túy, dẫn đến thúc đẩy người nghiện quay lại dùng chất ma túy. Trong điều trị nghiện ma túy, khó khăn gặp phải lớn nhất chính là hiện tượng đói MT trường diễn.
Hiện nay chưa có thuốc “chữa triệt để” nghiện ma túy dạng thuốc phiện. Các phương pháp hiện có chủ yếu hỗ trợ người bệnh vượt hội chứng cai một cách nhẹ nhàng hơn, nhằm hạn chế biến chứng của hội chứng cai.Thêm nữa, việc điều trị lâu dài, chống tái nghiện còn kém hiệu quả (tỷ lệ tái nghiện > 90%). Trong điều trị cần phối hợp với các liệu pháp khác như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm và quản lý bằng thể chế.
Mục tiêu điều trị là điều trị hội chứng cai hay trạng thái lệ thuộc về cơ thể (cắt cơn, giải độc...). Và điều trị trạng thái nghiện mãn tính (lệ thuộc tâm thần, chống tái nghiện).
Điều trị trạng thái cai (giải độc) là phương pháp điều trị ngắn ngày (1 - 2 tuần), nhằm hỗ trợ cơ thể tự điều chỉnh với hội chứng cai về cơ thể. Hiện nay trên thế giới đang có các phương pháp cắt cơn như sau:
- Dùng thuốc hướng thần (cổ điển).
- Dùng Catapres (Clonidine) (có tác dụng giống morphine).
- Dùng Methadone (đồng vận morphine ở thụ thể μ).
- Các phương pháp khác (hỗ trợ): LPTL, vật lý trị liệu, các phương thức tôn giáo, thuốc dân tộc, châm cứu, thiền, yoga...
Ở Việt Nam, các phương pháp chính đang được dùng là:
- Dùng các thuốc hướng thần nhằm thanh toán các triệu chứng của h/c cai, như thuốc giải lo âu (seduxen, diazepam) điều trị bồn chồn, lo âu...; thuốc yên dịu mạnh (an thần kinh) (tisercine, levopromazine) điều trị trạng thái vật vã, kích động, dị cảm...; các thuốc khác: giảm đau (paracetamol), giảm co thắt (spasfone, spasmaverine...), nâng huyết áp (heptanil). Phác đồ này đã được Bộ Y tế thông qua và sử dụng rộng rãi, có hiệu quả trên cả nước từ năm 1995.
- Dùng các thuốc dân tộc, cổ truyền để hỗ trợ một phần cơ thể tự điều chỉnh 7 - 10 ngày. Một số thuốc đã được nghiên cứu như Heatos, Hufusa, Bông Sen...
Điều trị trạng thái nghiện mãn tính là điều trị trạng thái đói MT trường diễn. Trên thế giới hiện đang chủ yếu áp dụng các phương pháp như:
* Chiến lược giảm hại:
- Điều trị thay thế: Methadone, Buprenophine, LAAM...
- Giải pháp thay thế bơm kim tiêm sạch
* Các phương pháp đối kháng: dùng các chất đối vận với thụ thể μ (opioid receptor antagonists): naltrexone; nalmefene.
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, các phương pháp điều trị nghiện ma túy gồm có:
Phương pháp thay thế giảm hại bằng Methadone nhằm làm giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm tỷ lệ phạm pháp liên quan sử dụng chất ma túy (trộm cắp, buôn bán MT, mại dâm, giết người...); giảm tỷ lệ lây truyền bệnh do tiêm chích ma túy (viêm gan B, C, HIV...); giảm tỷ lệ tai biến do dùng chất ma túy (tai nạn lao động, giao thông, tử vong do dùng quá liều...); từ đó phục hồi chức năng sinh lý, lao động, tái hòa nhập gia đình, xã hội và giảm tỷ lệ tái phát dùng chất ma túy.
Phương pháp này có ưu điểm là có tác dụng dung nạp chéo với các chất dạng thuốc phiện do đó người bệnh không xuất hiện hội chứng cai và thèm chất ma túy. Thời gian bán hủy kéo dài 24 - 36 giờ (Buprenophine: 48h; LAAM: 72h), chỉ cần dùng 1 liều duy nhất trong ngày nên nồng độ ổn định. Hiệu quả cao với đường uống, tránh người bệnh phải tiêm chích và tránh hiệu quả “flash” do tiêm chích. Dung nạp chậm nên tránh được khuynh hướng tăng liều. Cai Methadone dễ hơn cai heroin (giảm liều từ từ cho phù hợp với sự thích nghi của người bệnh) và có hiệu quả kinh tế cao.
Phương pháp thứ hai là phương pháp đối kháng bằng Naltrexone. Naltrexone được sử dụng điều trị nghiện heroin từ 1973 (Martin), thực chất là điều trị duy trì sau khi đã điều trị giải độc. Naltrexone làm giảm hoặc mất cảm giác “phê” khi dùng chất ma túy, từ đó loại trừ trạng thái lệ thuộc về tâm thần do chất ma túy và làm giảm hoặc triệt tiêu trạng thái “đói trường diễn” chất ma túy.
Naltrexone được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, chuyển hóa ở gan (60% liều vào máu). Nồng độ đỉnh (của naltrexone và chất chuyển hóa có hoạt tính 6-β naltrexone) đạt được sau uống 1 giờ. Thời gian bán hủy từ 1 - 3 giờ đối với naltrexone và 13h đối với 6-β naltrexone, do vậy về lâm sàng, 1 liều naltrexone có tác dụng đến 72 giờ và 1 phần nhỏ 6-β naltrexone có thể kéo dài tới 125 giờ. Naltrexone có tác dụng kém hơn trong điều trị nghiện rượu (so với opioid) vì nghiện rượu còn liên quan với nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác.
Để được điều trị bằng naltrexone người bệnh phải được điều trị giải độc ít nhất 7 - 10 ngày trước. Bệnh nhân cần định lượng men gan trước khi dùng thuốc và hàng tháng trong 6 tháng đầu. Bệnh nhân có thể chuyển dần từ chất ma túy mạnh (heroin...) sang dùng chất ma túy nhẹ hơn như methadone → buprenophine → LAAM... và sau đó là không dùng ma túy trong 1 - 2 tuần. Dù vậy, vẫn có thể xuất hiện hội chứng cai, tác dụng phụ nhẹ trong vài tuần đầu khi dùng naltrexone. Tuân thủ điều trị có vai trò quan trọng trong phương pháp này, nếu người bệnh ngừng dùng naltrexone, việc dùng lại chất ma túy sẽ gây cảm giác “phê” rất mạnh và bệnh nhân rất dễ tái nghiện. Naltrexone không gây tăng dung nạp dù dùng kéo dài. Bệnh nhân đang dùng naltrexone mà đồng thời dùng thêm các chất dạng thuốc phiện có thể bị tai biến quá liều chất dạng thuốc phiện (do mất dung nạp), dẫn đến nguy cơ tử vong. Duy trì liều đã dung nạp đến khi bệnh nhân hết nguy cơ tái nghiện (thường ít nhất là 6 tháng).
Điều trị bằng Naltrexone có các ưu điểm là không bắt buộc phải xét nghiệm tìm chất ma túy trong nước tiểu trong quá trình điều trị như với Methadone. Bệnh nhân chỉ cần đến uống thuốc 3 lần/tuần. Đây không phải là chất gây nghiện nên dễ quản lý và sử dụng. Hiệu quả chống tái nghiện sẽ trở nên tốt hơn nếu có kết hợp với các liệu pháp tâm lý và có sự hợp tác chặt chẽ của thày thuốc - bệnh nhân - gia đình.
Nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn đang rất phổ biến ở Việt Nam. Dược lý trị liệu là phương pháp đóng vai trò quan trọng trong cả điều trị giải độc và chống tái nghiện. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện vẫn cao với tất cả các trị liệu hiện có. Việc điều trị bằng thuốc hướng thần, thay thế bằng Methadone, đối kháng bằng Naltrexone là những phương pháp đã được nghiên cứu, thể nghiệm ở nước ta. Đây là những chọn lựa khoa học, và tương đối có hiệu quả trong điều trị nghiện ma túy dạng thuốc phiện ở Việt Nam hiện nay.
PV